Chiêu thức lừa đảo của nữ giáo viên
Vi Thị Hoa (46 tuổi, ngụ xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) nguyên là giáo viên Trường THCS Đỉnh Sơn. Đảm nhận phụ trách môn Vật lý, Hoa được đồng nghiệp đánh giá khá cao về chuyên môn. Sau hơn 20 năm làm công tác giảng dạy nhiều thế hệ học sinh, Hoa dấn thân vào kinh doanh với khát vọng làm giàu.
Đó là năm 2012, thời điểm “cơn lốc” bán hàng đa cấp tràn về huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An). Ngoài việc đứng lớp, Hoa làm thêm nghề tay trái là bán hàng đa cấp. Điều đó sẽ không có gì xấu, hay vi phạm pháp luật, nhưng việc Hoa lao vào kinh doanh đa cấp đến mất kiểm soát khiến sự việc đi quá xa. Đầu tư tiền để mua hàng nhưng sản phẩm không bán được, cộng với thời điểm chiêu thức bán hàng này đi vào thoái trào cũng là lúc Hoa vỡ nợ. “Cấp trên” cao chạy xa bay nên Vi Thi Hoa không thể gỡ gạc lại vốn liếng bỏ ra.
Nợ nần, Hoa nảy ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm bù lại số tiền đã dốc vào kinh doanh đa cấp. Nữ giáo viên tự giới thiệu quen biết Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, quen vợ Chủ tịch tỉnh, quen Chánh Văn phòng tỉnh Nghệ An và Giám đốc Sở Nội vụ để lừa các gia đình có con em đang có nhu cầu xin việc làm.
Nữ giáo viên “nổ” có thể chạy việc vào dạy học, làm y tế tại các trường học trên địa bàn và chạy vào các trường công an với “khung tiền” chuẩn. Biết Hoa là giáo viên lâu năm, có uy tín tại địa phương, nhiều người trong và ngoài huyện tin tưởng, rỉ tai nhau đến nhờ Hoa xin việc.
Trong số hàng chục nạn nhân bị Hoa lừa đảo, có gia đình phải chi số tiền lớn. Điển hình như trường hợp anh Trần Kim An (ngụ xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương). Trước những lời ngon ngọt có thể chạy việc cho con gái đi dạy mầm non và con trai vào trường công an, người đàn ông này đã đưa cho Hoa tổng số tiền 500 triệu. Có trường hợp sau khi nghe Hoa “nổ” quen biết lãnh đạo cấp cao, có thể xin việc vào ngành Giáo dục, Sở Xây dựng Nghệ An, đôi vợ chồng nghèo đã cắm sổ đỏ để vay tiền. Nhận 60 triệu đồng chưa được bao lâu, Hoa tiếp tục quay lại đòi thêm 10 triệu đồng “để làm quà cho người ta”. Cũng với điệp khúc trên, Hoa lại đến đòi thêm 50 triệu đồng và cho biết sắp có quyết định. Tuy nhiên, khi đã nhận được tiền, Hoa cứ khất lần với nhiều lý do.
Đặc biệt, trong số nhiều nạn nhân bị Hoa lừa chạy việc, còn có cả đồng nghiệp của chị. Giữa năm 2016, trong một lần đến nhà người quen ở huyện Con Cuông chơi, Hoa nghe lỏm được câu chuyện một cô giáo, nguyên hiệu trưởng một trường mầm non có con gái tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc làm. Bằng lời hứa ngon ngọt, Hoa cam đoan sẽ xin việc cho cháu theo đúng ngành học. Tin tưởng vào mác giáo viên của Hoa, gia đình này đã đưa tổng cộng 150 triệu nhờ “chạy” việc.
Ngoài ra, Vi Thị Hoa còn lừa đảo, chiếm đoạt của ông Ngô Đức H. (ngụ thị xã Hoàng Mai) 100 triệu đồng, anh Nguyễn Văn T. (ngụ thị xã Hoàng Mai) 170 triệu đồng, anh Trương Tất T. (ngụ huyện Quỳ Hợp) 160 triệu đồng, anh Lương Văn M. và ông Lô Thanh V. (ngụ huyện Thanh Chương) 160 triệu đồng, ông Lương Xuân T. 180 triệu đồng…
Để tạo niềm tin cho các gia đình, trước khi nhận tiền “chạy việc”, Vi Thị Hoa đều ký kết hợp đồng với từng trường hợp cụ thể, về số tiền đặt cọc, ngành nghề tuyển dụng và tổng số tiền phải thanh toán khi hoàn tất công tác tuyển dụng, nhận quyết định đi làm. Điều khoản hợp đồng cũng ghi rõ, quá trình Hoa đang “chạy việc”, nếu các gia đình không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì sẽ bị mất số tiền đặt cọc đã bỏ ra.Tuy nhiên, giá trị các bản hợp đồng này không có tính pháp lý mà nó chỉ mang tính chất thỏa thuận giữa hai bên.
Với số tiền lừa đảo, chiếm được Vi Thị Hoa dùng để trả nợ vay trước đó khi mua hàng đa cấp và tiêu xài cá nhân. Riêng những bộ hồ sơ mà các nạn nhân cẩn thận trau chuốt, nhờ gửi đến nơi muốn vào làm việc, Hoa thẳng tay vứt xuống sông Lam để tiêu hủy.
Lại nói về các nạn nhân, sau thời gian chờ đợi nhưng không thấy Vi Thị Hoa thực hiện như cam kết nên lo lắng. Nhiều lần hối thúc nhưng không có kết quả nên nhiều người đến đòi lại tiền đặt cọc. Lúc này, Hoa không trả và có những lời nói thách thức. Biết bị lừa, các nạn nhân đã tố cáo hành vi của Vi Thị Hoa đến cơ quan công an.
“Tiền mất tật mang” vì chạy việc
Mặc dù công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng Hoa không tuân thủ. Ngày 26/9/2017, nhận thấy Vi Thị Hoa có dấu hiệu bỏ trốn, cơ quan chức năng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Hoa để phục vụ điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan chức năng xác định, Vi Thị Hoa đã lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại số tiền gần 2 tỷ đồng. Sau khi sự việc bị phát giác, Hoa khắc phục được 500 triệu đồng. Vi Thị Hoa bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 14 năm tù về tội danh bị truy tố, buộc bồi thường gần 1,5 tỷ đồng đã chiếm đoạt của các nạn nhân. Không đồng ý với mức án trên, các bị hại đã có đơn kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt đối với Hoa.
Phiên tòa phúc thẩm bị cáo Vi Thị Hoa diễn ra vào một ngày đông giá lạnh. Nữ bị cáo ngồi co ro trong quá trình đợi HĐXX ra làm việc. Từng là giáo viên, đứng lớp giảng dạy chuyên môn và điều hay lẽ phải cho học sinh, nhưng giờ đây Hoa lại phạm pháp, chịu sự trừng trị của pháp luật. Đứng trước bục khai báo, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ để có cơ hội sửa sai.
Tham dự phiên tòa, một nạn nhân phát biểu, vì tin tưởng Hoa nên gia đình phải vay mượn để nhờ xin việc cho con. Không xin được việc, Hoa vứt hồ sơ và không chịu trả tiền: “Bản thân tôi mắc bệnh hiểm nghèo, giờ phải vay tiền để chạy chữa. Biết Hoa được trả một khoản tiền bảo hiểm, tôi đến năn nỉ cô ta trả cho tôi một ít tiền để đi chữa bệnh nhưng Hoa bảo đây là tiền xương máu của cô ta nên nhất quyết không trả. Cô ta biết quý trọng “đồng tiền xương máu” của mình tại sao lại không nghĩ đến chúng tôi. Nếu không chịu trả lại tiền cho chúng tôi, đề nghị tòa nâng mức án đối với bị cáo Hoa”, một bị hại nói.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện vụ án, tại phiên xử, các bị hại không đưa ra được các tình tiết mới nên không có căn cứ để xem xét tăng hình phạt. HĐXX phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm 14 năm tù đối với Vi Thị Hoa.