Hết thời gameshow?
Nếu nhắc đến thời kì vàng son của gameshow truyền hình, có lẽ phải kể đến những năm 2010-2015. Đây là thời gian ra đời những gameshow “ăn khách” đình đám của truyền hình như: Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Bố ơi mình đi đâu thế, Giọng hát Việt, Bước nhảy hoàn vũ...
Các gameshow thuần Việt hoặc mua format của nước ngoài liên tục ra mắt, với cách thức xây dựng chương trình mới lạ, hấp dẫn, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khán giả. Như Giọng hát Việt, mùa 1 (năm 2013) có rating cao ngất ngưởng, song hành với bảng giá quảng cáo lên đến 280 triệu đồng/30 giây.
Ở những năm đỉnh cao của truyền hình thực tế, có thể thấy “nhà nhà coi gameshow, người người xem gameshow”. Những tình tiết trong các gameshow trở thành đề tài bàn tán từ mạng xã hội ra đến ngoài đời. Các chương trình này cũng thành bệ phóng cho những người mới đặt chân vào làng giải trí.
Nhưng 2-3 năm trở lại đây, gameshow nhạt nhoà dần trên sóng truyền hình. Những cuộc thi tài năng trực tuyến không còn đủ sức hút, đến quán quân cũng không mấy ai quan tâm. Một số chương trình mua format đình đám từ nước ngoài về nhưng vẫn rating èo uột. Không những thế, nhiều chương trình còn bị khán giả quay lưng, “ném đá”, kêu gọi tẩy chay vì sử dụng những chiêu trò “bẩn”, tạo scandal, lừa dối khán giả...
Giờ đây, chiếm rating cao trên sóng truyền hình phải kể đến các bộ phim truyền hình. Những năm gameshow đang ở đỉnh cao, phim truyền hình lại ở buổi “chợ chiều”. Không nhiều kịch bản hay, khán giả không quan tâm, bị cho là “không hợp thời”. Đến vài năm gần đây, khi gameshow thoái trào, phim truyền hình lại có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục với hàng loạt bộ phim hấp dẫn, khiến khán giả mê mẩn.
Đặc biệt, năm 2019 được coi là đánh dấu bước chuyển mình của phim truyền hình Việt, giành lại khán giả. “Về nhà đi con” của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, “Tiếng sét trong mưa” của đạo diễn Nguyễn Phương Điền... là hai bộ phim “khuynh đảo” màn ảnh nhỏ trong suốt thời gian dài.
Thống kê từ Kantar Media Vietnam tháng 2 vừa qua cho thấy, rating Top 10 chương trình truyền hình tháng 2/2022 cả phía Nam lẫn phía Bắc đều dành cho các phim truyền hình và trong danh sách cả hai miền chỉ có 1-2 chương trình truyền hình trực tuyến nằm ở cuối Top.
“Mổ xẻ” nguyên nhân
Thời điểm dịch bùng phát, giãn cách diễn ra trên toàn quốc, người dân bị hạn chế ra đường, lựa chọn các thú vui trên sóng truyền hình là lựa chọn phổ biến. Những tưởng gameshow sẽ có những bước “bứt phá”, nhưng sau dịch, tình hình các chương trình truyền hình thực tế còn “tệ” hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thoái trào gần đây của các gameshow Việt. Sự phát triển của giải trí mạng xã hội là một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy. Youtube, TikTok với tính giải trí cao, bắt trend tốt thu hút hầu hết khán giả trẻ tuổi. Cạnh đó, sự lên ngôi của mảng phim truyền hình cùng với sự phát triển nhanh của ứng dụng truyền hình trả tiền với lượng phim nước ngoài cực kì hấp dẫn đã khiến gameshow mất đi vị thế trong lòng khán giả.
Tuy nhiên, đó chỉ là nhân tố khách quan, còn nhắc đến lý do gameshow mất đi sự ủng hộ của khán giả, phải kể đến những nguyên nhân nội tại. Những năm gần đây, truyền hình thực tế bắt đầu nhạt dần do thiếu kịch bản chương trình hay, các yếu tố thi thố, hài hước, hẹn hò... đã được khai thác triệt để, hầu như không còn mới mẻ. Các “ngôi sao”, một trong những yếu tố “hút khách” cũng nhẵn mặt trên truyền hình, có nghệ sĩ xuất hiện một lúc mấy gameshow phát sóng cùng thời điểm khiến khán giả ngán ngẩm.
Để “cứu” rating, nhiều chương trình đã có những bước đi không mấy hay ho, dàn dựng những drama, lừa dối khán giả, tạo scandal “câu khách”. Dồn dập nhiều tai tiếng, những cú vạch mặt đã khiến khán giả ngày càng bất mãn, chán ngán đối với truyền hình thực tế.
Cạnh đó, nhiều nghệ sĩ giờ đây đã không còn nhận được sự tin tưởng, yêu quý của khán giả như trước. Những scandal dồn dập như chuyện ngâm tiền từ thiện, lối sống buông thả, thiếu đạo đức của nghệ sĩ đã khiến họ mất đi lượng lớn người hâm mộ - một trong những lực lượng đông đảo ủng hộ chương trình. Thậm chí, nhiều chương trình còn bị “vạ lây” do khán giả tẩy chay nghệ sĩ làm MC, giám khảo hay thí sinh tham dự.
Hiện nay chỉ còn lại một số gameshow “sạch”, thiên về thi kiến thức, kĩ năng sống... như Ai là triệu phú, Kí ức vui vẻ, Sao nhập ngũ... Ngoài ra, hầu hết các chương trình đình đám trước kia giờ đây đã lần lượt rời bỏ sóng truyền hình.
Có thể nói, sự thoái trào của gameshow là tất yếu, khi những giá trị mà hầu hết các chương trình mang lại cho khán giả không còn nữa. Theo thời gian, sẽ có những hình thức giải trí khác hợp với xu thế thời đại thay thế.