Chưa bao giờ ân hận khi đeo đuổi nghề luật sư
Tốt nghiệp phổ thông năm 1976, chàng trai Hà Nội Nguyễn Huy Thiệp làm hồ sơ thi vào Trường Đại học Cảnh sát. Vào thời điểm hoàn thiện hồ sơ thì người cha của ông ở trong B được cho ra Thủ đô chữa bệnh. Người cha rất muốn có người nối nghề của ông làm cố vấn luật của Chính phủ cách mạng lâm thời và khuyên con nên theo học luật.
Nghe lời cha, ông rút hồ sơ nhưng lúc này chưa có cơ sở nào đào tạo về luật nên ông chọn thi vào Trường Cán bộ Tòa án. Đang học Trường Tòa án thì cuối năm 1978 ông lên đường nhập ngũ theo tổng động viên. Hai năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia, đơn vị phát hiện ông có chuyên môn luật và Quân đoàn 4 đã rút anh về Tòa án Quân sự ở Phnompenh. Đây cũng là năm đầu tiên mở lớp chuyên tu đại học pháp lý – tiền thân của Trường Đại học Luật Hà Nội ngày nay và ông được cử đi học lớp này.
Học xong về Bộ Quốc phòng, ông công tác tại Phòng Điều tra hình sự của Tổng cục Hậu cần, thực hiện nhiệm vụ Điều tra viên. Khi ra khỏi Quân đội, đứng trước sự lựa chọn giữa việc vào công chức của ngành Tòa án hoặc ra làm luật sư (LS), ông đã lựa chọn theo nghề LS dù năm 1988, tổ chức LS còn khá nhỏ (cả Đoàn LS Hà Nội khi đó có khoảng 80 người).
“Tôi rất đam mê hoạt động của LS. Nhưng có lẽ yếu tố cuốn hút hơn cả là LS hành nghề tự do, miễn là hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, không chịu bất kỳ sự áp đặt nào, hoàn toàn khai thác kỹ năng hành nghề và quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng” – ông lý giải về quyết định đột phá này và khẳng định cho đến bây giờ, chưa lúc nào ông thấy ân hận về quyết tâm theo nghề của mình.
Tuy nhiên, khi biết lựa chọn của ông, người cha có nói rằng làm LS không phải là “người nhà nước”, không có lương hưu. Có điều, ông tâm niệm: “Mình còn sức, mọi vấn đề do hai bàn tay tự làm ra, cuộc sống do tự mình tạo ra thì không lý gì phụ thuộc vào chuyện đãi ngộ, mặc dù việc có lương hàng tháng khi ấy là cả một áp lực”.
Ban đầu chưa sống bằng nghề LS, ông kiêm làm trợ lý cho một công ty để có nguồn sống cơ bản cho gia đình. Trong quá trình vừa làm vừa tiếp tục bổ sung, trau dồi kỹ năng hành nghề qua học việc, tập sự, tăng cường tham gia tố tụng, đến năm 1996 ông mới chính thức “sống được” bằng nghề.
Sau một thời gian hoạt động chung trong môi trường của Đoàn LS Hà Nội ở 19 Tràng Thi, Đoàn đã mở Chi nhánh số 1 – chi nhánh đầu tiên ngoài trụ sở vào năm 1996 và ông được giữ chức Phó Trưởng Chi nhánh. Năm 2001 Pháp lệnh LS ra đời, ông đã chuyển đổi và phát triển Văn phòng riêng của mình từ đó đến nay, gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động nghề nghiệp.
Mỗi vụ án mà ông tham gia đều để lại một dấu ấn riêng. Nhưng có lẽ vụ đầu tiên khiến ông thấm thía về kỹ năng hành nghề và sự nguy hiểm của nghề LS là khi tham gia bảo vệ bị hại trong vụ án giết người ở Nam Định vào năm 1996. Bảo vệ bị hại bị một nhóm côn đồ đâm chém chỉ bởi một cái “nhìn đểu” vô cớ có thể nói là thành công, pháp luật được tôn trọng, khung khoản của điều luật được áp dụng phù hợp với tính chất, mức độ của các bị cáo.
Tuy nhiên, kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử và bản thân ông bị tấn công, Đội đặc nhiệm của Công an tỉnh đã phải đưa xe, thiết bị, nhân lực sang để giải thoát. Vụ án khiến ông ý thức rõ nghề LS là “nghề nguy hiểm” vì LS bảo vệ công lý nhưng lại hoàn toàn không có cơ chế bảo vệ LS hành nghề.
Tên tuổi của LS Nguyễn Huy Thiệp thường xuyên được nhắc đến trong rất nhiều vụ án lớn, được dư luận quan tâm như vụ Lã Thị Kim Oanh, Huỳnh Thị Huyền Như... Có điều, ông quan niệm mỗi khi tham gia các vụ án ấy thì ông đã để lại trong lòng, trong suy nghĩ của những người tham gia, người có mặt, người biết đến và các khách hàng một sự chuẩn mực, khai thác tối đa các yếu tố, các chứng cứ để đấu tranh hết mình bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, đồng thời góp phần bảo vệ pháp chế XHCN theo đúng quy định của pháp luật.
Gần 20 năm hành nghề, có đến hơn 10 năm ông tham gia Ban Chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hà Nội các nhiệm kỳ từ 4-9 và hiện đang là Ủy viên Hội đồng LS toàn quốc, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Bảo vệ quyền lợi LS, Liên đoàn LS Việt Nam, đồng thời còn là giảng viên kiêm chức của Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp.
Ghi nhận các thành tích hoạt động nghề nghiệp của ông, LS Nguyễn Huy Thiệp đã 3 lần được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, liên tục được nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp, Liên đoàn LS Việt Nam, Đoàn LS TP.Hà Nội, Giấy khen của Học viện Tư pháp… Nhưng “gia sản” lớn nhất của ông đến nay lại chính là hai cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi và đều được ông hướng theo “nghề nguy hiểm” mà ông đã chọn.