Vĩ mô và vi mô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều qua (25/10), lãnh đạo Chính phủ đã làm việc với các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng chống COVID-19 về dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo ý kiến của nhiều bác sĩ từ tâm dịch, đồ bảo hộ là không cần thiết bằng kính chống giọt bắn, khẩu trang loại tốt và găng tay.
Theo ý kiến của nhiều bác sĩ từ tâm dịch, đồ bảo hộ là không cần thiết bằng kính chống giọt bắn, khẩu trang loại tốt và găng tay.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đơn vị được giao soạn thảo, các giải pháp được nêu trong dự thảo Chiến lược xoay quanh 4 mục tiêu lớn là giảm tỉ lệ người mắc Covid-19, tăng tỉ lệ bao phủ vaccine, giảm tỉ lệ tử vong, bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát dịch bệnh.

Chiến lược nhấn mạnh hơn nữa tinh thần chủ động, khoa học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, làm cơ sở để hướng tới cá nhân hóa trong phòng, chống dịch. Hệ thống y tế được tăng cường, củng cố để sẵn sàng ứng phó với các đại dịch lây nhiễm trong tương lai.

Nói theo cách dân dã thì Chiến lược tổng thể có những nội dung ở tầm vĩ mô, bao quát. Và theo những gì Bộ Y tế báo cáo thì nội dung chiến lược đã khá “chuẩn chỉnh”.

Thế nhưng cũng trong chiều qua (25/10), tại TP HCM, báo chí đã đưa ra một thắc mắc khá thú vị tại cuộc họp của BCĐ TP. Đó là việc ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, tại phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa X sáng 19/10, cung cấp số liệu: “Cao điểm ngày 28/8, TP có đến 17.403 ca mắc COVID-19 mới”.

Tuy nhiên, theo Cổng Thông tin COVID-19, trong ngày 28/8, TP chỉ ghi nhận hơn 5.000 ca mắc mới và không có ngày nào ghi nhận trên 17.000 ca F0.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo BCĐ TP giải thích, sự chênh lệch về con số trên đến từ lý do liên quan đến “nghiệp vụ”. Số ca mắc tại TP có thời điểm tính theo kết quả xét nghiệm PCR khẳng định, có thời điểm dựa trên kết quả xét nghiệm nhanh.

“Sở Y tế đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, phòng nghiệp vụ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng các địa phương rà soát lại số liệu và xin ý kiến Bộ Y tế để thống nhất về con số”, ông Hải nói.

Như vậy, để tính toán ai đó là F0 thì dựa vào kết quả xét nghiệm PCR khẳng định hay kết quả xét nghiệm nhanh, có một số địa phương vẫn còn lúng túng. Còn để xảy ra tình trạng như vậy, nghĩa là ngành y tế chưa làm tròn vẹn trách nhiệm.

Một chuyện khác, ngày 28/8, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xem xét tiêm chủng COVID-19 cho trẻ nhỏ trước thềm năm học mới. Một tuần sau, Bộ Y tế thông báo chưa tiêm cho trẻ em do nguồn cung vaccine đang thiếu và phải ưu tiên cho nhóm nguy cơ.

Đến 12/10, Bộ Y tế lại cho biết đang dự kiến ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Mới đây, Bộ Y tế trong Công điện 1675/CĐ-BYT vẫn cho biết với việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đề nghị các địa phương lập kế hoạch tiêm theo lộ trình đã được Bộ hướng dẫn tại Công văn 8688/BYT-DP ngày 14/10/2021.

Nhưng tiêm khi nào vẫn chưa rõ, Bộ Y tế chỉ thông báo chung chung “căn cứ vào tình hình dịch tại địa phương và nguồn cung ứng vaccine để các tỉnh tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi theo đúng hướng dẫn”.

Còn một vấn đề “vi mô” khác, nhiều nơi vẫn thực hiện “loạn xà ngầu” là chuyện mặc đồ bảo hộ. Theo ý kiến của nhiều bác sĩ từ tâm dịch, đồ bảo hộ là không cần thiết bằng kính chống giọt bắn, khẩu trang loại tốt và găng tay. Thế nhưng rất nhiều nơi, người dân vẫn đua nhau mặc bộ đồ bảo hộ y tế nóng bức bí bách, trong khi không đeo “face shield” và chỉ hờ hững một chiếc khẩu trang đơn giản… “Tự bảo vệ” kiểu như vậy là thiếu hiệu quả, tự chuốc mệt mỏi, tốn kém không cần thiết.

Thiết nghĩ Bộ Y tế làm tốt vấn đề vĩ mô, nhưng những vấn đề vi mô cũng phải được coi trọng không kém, để công cuộc phòng chống dịch được hiệu quả, nhất quán hơn nữa.

Đọc thêm