Vi phạm bản quyền phim: Bao giờ xử lý triệt để?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ cần một hành động phát tán bừa bãi có thể tiêu tan bản quyền của những bộ phim bạc tỉ. Chưa khi nào vấn đề bản quyền phim lại kêu cứu khẩn thiết như thời điểm này.
Vi phạm bản quyền phim: Bao giờ xử lý triệt để?

40% phim chiếu rạp bị “ăn cắp”

Theo đánh giá của cơ quan chuyên về lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam, hơn 40% các bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Chưa đầy 24 giờ phát hành “Bố già” trên Galaxy Play, nhà sản xuất đã “choáng váng” khi có tới hơn mười đường link phim lậu sao chép phim lan truyền trên mạng xã hội.

Nhiều phim khác trên Galaxy Play cũng bị các trang phim lậu lấy cắp và phát tán như: “Cô Ba Sài Gòn”, “Em chưa 18”, “Em là bà nội của anh”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Sugar Daddy & Sugar Baby”, “Chị mẹ học yêu”, “Bông hồng lửa”...

Phim truyền hình cũng rơi vào “tầm ngắm” của các trang web phim lậu. “Gái ngàn đô” do Galaxy Play phát hành là dự án phim đi sâu vào việc bóc trần những bí mật “thâm cung bí sử” của mại dâm cao cấp. Ngay sau khi phát hành, bộ phim cũng bị sao chép lậu và tung lên mạng.

Bộ phim “Gạo nếp, gạo tẻ” của DID cũng cùng số phận khi bị fanpage, kênh Youtube hay các kênh phim “xài chùa”. Hãng phim truyền hình Việt Nam cũng “khóc ròng” vì hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” bị phát sóng trái phép trên hàng chục kênh, fanpage cùng giờ phát sóng với VTV.

Một bộ phim để sản xuất được cần đầu tư rất nhiều tiền và trí tuệ, công sức, thời gian, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng… Thường một bộ phim điện ảnh chiếu rạp chi phí sản xuất vài chục tỷ đồng. Phim truyền hình, trung bình mỗi tập chi phí sản xuất 300 - 400 triệu đồng.

Nhưng những năm qua, hàng trăm trang mạng chiếu phim lậu nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Có thể điểm qua những tên miền thường chiếu lậu phim: Phimgiz, fullphimmoi, bilutvs, zingtvs... Các fanpage, kênh trên internet phát sóng phim lậu thường lồng quảng cáo để thu lợi, trong khi các nhà sản xuất phim tổn thất nặng nề.

Vì sao khó xử lý?

Trước vấn nạn này, các hãng sản xuất, phát hành gửi đơn thư tới Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, việc bảo vệ bản quyền, đòi công bằng không hề đơn giản. Ví như một bộ phim điện ảnh bị chiếu lậu, khi nhà sản xuất trình báo qua “đường” thủ tục hành chính có khi mất vài ngày. Khi được giải quyết, gỡ bỏ link, bộ phim đó đã chiếu lậu cho hàng triệu người xem, trang web kiếm hàng tỷ đồng từ quảng cáo. Điều này gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất, phát hành.

Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt hành chính với những đơn vị phát hành phim lậu hiện nay còn nhẹ. Hai Công ty Phú Thái và Bắc Á đã phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác hai bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” và “Chạy án” của VTV. Hai nhà mạng lớn nhất Việt Nam và một cá nhân bị xử phạt 75 triệu đồng do phát lậu phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”.

Nan giải nhất là việc đối tượng vi phạm thường sử dụng, dùng tên miền nước ngoài, giấu địa chỉ IP. Một số đối tượng đăng ký sử dụng tên miền nước ngoài thông qua đại lý ở Việt Nam, nhưng số khác lại trực tiếp đăng ký với nước ngoài. Do vậy, cơ quan quản lý rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.

Trong lúc tìm biện pháp hữu hiệu, các nhà sản xuất, phát hành đã tự cứu mình. Đơn vị K+ và BHD đã chủ động cung cấp dịch vụ nội dung phim ảnh, truyền hình có bản quyền trên internet như một cách thu hút người dùng vào trang mạng có bản quyền...

Nhưng các nhà sản xuất, phát hành cũng rất mong mỏi sự nghiêm minh của pháp luật, nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm; mong mỏi người xem có ý thức tôn trọng bản quyền. Một thực tế đang diễn ra là khi khán giả tặc lưỡi chấp nhận các bản phim lậu có hình ảnh mờ, âm thanh lệch, dịch sai, tốc độ load chậm... chỉ vì “miễn phí” thì các website phim lậu đang kiếm hàng trăm triệu quảng cáo mỗi tháng.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo, người xem “phim chùa” rất dễ bị “nhiễm độc” các thiết bị. Nhiều trang web chứa mã độc, cài cắm vi rút vào máy tính để ăn cắp thông tin hoặc tài khoản, số thẻ tín dụng của người dùng… Nếu so sánh với khoản phí vài chục nghìn đồng mỗi tháng để đăng ký xem phim có bản quyền thì những thiệt hại này sẽ là rất nặng nề.

Hơn nữa, khán giả xem phim “chính chủ”, tẩy chay phim lậu là cách cổ vũ cho những nhà làm phim sáng tạo thực hiện những bộ phim hay, có giá trị nghệ thuật cũng như chất lượng, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh Việt Nam phát triển.

Đọc thêm