Vi phạm nghiêm trọng, xử lý nghiêm minh

(PLO) - Sau khi nghe Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Ban Bí thư  đánh giá đây là vụ “rất nghiêm trọng” và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý đúng người, đúng pháp luật, đúng vi phạm trong vụ này.

Như vậy, những vụ việc vi phạm gây chú ý và bức xúc dư luận, lần lượt được “giải mã”, đưa ra ánh sáng pháp luật và xử lý thích đáng, đúng tinh thần “không có vùng cấm nào”. Việc làm nghiêm minh này từ những người lãnh đạo đất nước là rất hợp lòng dân, mang lại sự tin tưởng của các tầng lớp xã hội, không chỉ là cuộc chống tham nhũng, loại trừ “lợi ích nhóm” mà còn tăng cường sự ổn định và công bằng xã hội, thúc đẩy mọi người chung tay xây dựng đất nước.

Nhìn lại các vụ việc xảy ra trước đây, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm là “rất nghiêm trọng” thì ngay sau đó, hình thức kỷ luật đưa ra là nghiêm khắc, công minh, không hề nương tay.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Chủ tịch tỉnh và Phó chủ tịch ở Quảng Nam. Đáng chú ý là các nhân vật bị kỷ luật hành chính này đang đương chức (nhiệm kỳ 2016 – 2021) do những sai phạm mà họ mắc phải từ trước, trong đó có việc bổ nhiệm cán bộ là người nhà, người thân. Ủy ban Kiểm tra Trung ương trước đây đã kết luận về các sai phạm này, đánh giá là “nghiêm trọng”.

Cũng tại thời điểm này, một số cán bộ đang giữ cương vị Chủ tịch huyện, Giám đốc sở hoặc cán bộ lãnh đạo cấp phòng ở các địa phương khác nhau mắc sai phạm đã được xem xét xử lý và có hình thức kỷ luật tương thích với hành vi mà họ gây ra, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Động thái này cho thấy, bên dưới cũng đã “nóng” dần lên và các hành vi bao che cùng não trạng “ta không đụng đến mi, mi cũng đừng động đến ta” xem ra đã bị thu hẹp đất sống rất nhiều rồi. Thời gian này, báo chí tiếp tục thông tin về các vụ bổ nhiệm “thần tốc” hay “cả họ làm quan”, các vi phạm trong quản lý đất đai, hành chính,... cung cấp các bằng chứng để các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh.

Những vụ xử lý chưa nghiêm, chưa thích đáng cũng cần phải xem xét lại. Đặc biệt là vụ hơn 213 container “mất tích” tại Hải quan TP. Hồ Chí Minh, ngoài 3 cán bộ bị bắt tạm giam, số còn lại chỉ bị xử lý nhẹ nhàng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Vi phạm nghiêm trọng, xử lý nghiêm minh, rất nghiêm trọng lại càng cần hết sức nghiêm khắc. Trong thương vụ mua bán giữa Mobifone và AVG, một trong những yêu cầu mà Ban Bí thư đặt ra là “thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát” rất cần được thực hiện nghiêm túc, nếu không thực hiện được điều này thì khó có thể coi việc xử lý vi phạm đã hoàn tất.

Đọc thêm