Vi phạm trong hoạt động xây dựng: Xử lý thế nào mới hiệu quả?

(PLVN) - Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sáng qua (18/11), nhiều đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng khâu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thời quan qua chưa nghiêm, chưa hết trách nhiệm, dẫn đến nhiều sai phạm. Do đó, cần phải quy định chặt chẽ hơn, chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong vấn đề này.
Một công trình xây dựng sai phạm tại Sơn Trà (Đà Nẵng).
Một công trình xây dựng sai phạm tại Sơn Trà (Đà Nẵng).

Trách nhiệm chính vẫn là cơ quan quản lý nhà nước

Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) cho rằng, về nguyên tắc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cần xác định đúng trách nhiệm của các tổ chức, tập thể, cá nhân liên quan đến hoạt động xây dựng. Trong đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện tốt việc quản lý nhà nước; kiểm tra thực hiện quy hoạch, quy chuẩn; đưa ra các quy định bắt buộc đối với hoạt động xây dựng, phải chuẩn cái này.

Chủ đầu tư, người thực hiện công tác xây dựng phải chịu trách nhiệm về công trình của mình. Các cơ quan thiết kế, thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thi công cũng phải chịu trách nhiệm về phần việc của mình.“Trong luật này, về nguyên tắc phải làm vững, làm rõ được việc này. Có như vậy chúng ta mới tổ chức thực hiện được tốt”, ĐB nói.

Theo ĐB Hiền, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Lâu nay chúng ta làm chưa được cái này nên không rõ trách nhiệm của ai cả, thậm chí có những trường hợp xây dựng lớn rồi, sản phẩm ra xã hội thấy rõ rồi quay lại xử lý, như vậy vừa lãng phí xã hội vừa lãng phí cá nhân nhưng lại không rõ trách nhiệm. Đây là việc cần khắc phục, cần làm rõ trách nhiệm trong các trường hợp này”, ĐB nói. 

Đồng quan điểm, ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) cũng cho rằng khâu quản lý nhà nước thời gian qua chưa nghiêm, chưa hết trách nhiệm nên vừa rồi xảy ra không ít và giờ vẫn xảy ra sai phạm trong quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản.

“Quản lý không nghiêm, trong quá trình làm không phát hiện để người ta xây dựng trần xong rồi mới đưa ra phạt theo hướng phạt cho tồn tại hay trước sức ép của dư luận thì bắt tháo dỡ là sự lãng phí hết sức. Do đó, chế tài xử phạt trước hết là với người xây dựng phải nghiêm để không dám sai phạm, sau đó là người quản lý nhà nước”, ĐB Hạ nói. 

Dẫn chứng một số công trình sai phạm gây chú ý thời gian qua, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, câu chuyện cắt ngọn công trình vi phạm chỉ là giải pháp tình thế. Theo ĐB Trí, nếu pháp luật và người thực thi pháp luật nghiêm minh sẽ không xảy ra việc đó. Nhấn mạnh việc xây dựng công trình vi phạm như Khách sạn Panorama ở Mã Pì Lèng, Hà Giang không phải một đêm là xong, ông Trí cho rằng cần xử lý người có trách nhiệm.

ĐB Hiền và một số ĐB khác cũng đề nghị hết sức lưu ý đến việc quản lý về xây dựng nông thôn. Theo ĐB Hiền, lâu nay việc xây dựng ở nông thôn chủ yếu là công trình nhỏ lẻ, công trình cá nhân mà bước đầu các quy định của pháp luật chưa đến nơi hoặc tạo điều kiện cho phát triển.

Song, hiện nay, hoạt động xây dựng ở nông thôn đã bắt đầu có sự nở rộ, đòi hỏi chúng ta cần phải có sự chuẩn bị và đưa vào nền nếp, nhất là vùng giáp ranh đô thị. ĐB tỉnh Nghệ An cũng đề nghị có các quy định theo hướng phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội, phản biện nhân dân trong việc giám sát thực thi các quy định. 

Cần rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng 

ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) cho rằng, hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng rất khó khăn.

“Vừa rồi, Hiệp hội Bất động sản TP HCM phản ánh thời gian chờ đợi làm thủ tục đến khi công trình được triển khai xây dựng quá dài. Đơn cử như việc làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng mất ít nhất 3 năm…Để làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư mất 2 năm”, ĐB nói và đề nghị việc sửa đổi Luật Xây dựng lần này cần rút ngắn thủ tục cấp phép xây dựng.

“Một số khâu có thể gộp vào được như thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng có thể thẩm định cùng một lúc và cấp phép xây dựng thay vì làm từng khâu một như hiện nay”, ĐB nói. 

Tán thành quan điểm trên, ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng việc có nhiều loại giấy phép xây dựng là cần thiết nhưng phải quy định cho phù hợp. Còn ĐB Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) đề nghị, cần quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhưng phải gắn trách nhiệm chặt chẽ của chủ đầu tư, đơn vị, cá nhân thiết kế công trình. Trong việc xây dựng phải đảm bảo quản lý từ khâu thiết kế, thi công, điều chỉnh, hoàn công đến quản lý đất đai, xây dựng… 

Cùng với đó, ĐB Ry kiến nghị có quy định rõ hơn về trách nhiệm của công chức, có cơ chế xử lý rõ trách nhiệm trong trường hợp phát hiện những trường hợp nhũng nhiễu trong thực thi công, tránh trường hợp nhận hồ sơ của người dân rồi sau đó báo thiếu hồ sơ này, thiếu văn bản khác… Ngoài ra, ĐB Hạ đề nghị quy hoạch xây dựng phải gắn với quy hoạch đô thị, kiến trúc, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không đồng bộ. 

ĐB Tạ Văn Hạ cũng nhấn mạnh việc cần phải có quy định về cấp chứng chỉ năng lực đối với cả cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng để đảm bảo kỹ năng, năng lực và an toàn trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng.

“Ở nước ngoài, công nhân lắp giàn giáo cũng phải có chứng chỉ, đào tạo nhưng ta cứ đi xách vữa quen rồi đi xây, thực hiện, dẫn tới những tai nạn rất đáng tiếc xảy ra. Phải quy định cá nhân phải được đào tạo, được cấp chứng chỉ mới được hành nghề trong lĩnh vực này”, ĐB nói.

 Có cơ chế huy động sức dân trong phòng chống thiên tai

Cùng ngày, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng từng người dân cần có ý thức trách nhiệm để hạn chế rủi ro thiên tai chứ không phải đợi đến lúc xảy ra rồi mới lo khắc phục.

“Có những lúc hậu quả của thiên tai chỉ có 5, nhưng do con người làm cho hậu quả nặng hơn thành 10. Cần làm sao để người dân nhận thức được nhiều hành vi của mình như khai thác cát, đốt lửa, vứt tàn thuốc lá bừa bãi… đã làm tăng thêm nguy cơ xảy ra thiên tai”, ĐB Nghĩa nói và đề xuất phải xử lý nghiêm những vi phạm theo pháp luật. “Không có chuyện một số người khai thác cát bỏ tiền vào túi, đến khi sạt lở bờ sông thì ngân sách và người dân gánh”, ĐB nói thêm.

Bên cạnh việc đề xuất tăng cường trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai, ĐB Nghĩa cũng cho rằng cần có cơ chế huy động sức dân trong công tác này.

“Có những đoạn đường lở, xói không ai làm gì để đến lúc nát bét không đi được nữa mới bắt đầu kêu lên, trong khi nếu huy động sức dân được thì những “ổ gà” nho nhỏ, những cống rãnh tắc không thoát nước chỉ cần huy động 5-10 người dân với 1 buổi lao động là khắc phục được… Mỗi người góp một tay chứ không thể dựa hết vào ngân sách. Có thể nghiên cứu thiết kế các quỹ do xã hội đóng góp cho công tác phòng, chống thiên tai”, ĐB đề xuất.

Ủng hộ việc thành lập quỹ phòng, chống thiên tai, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) kiến nghị tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, cho các thiết bị cảnh báo, khu vực tránh bão để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho thiên tai. 

Đọc thêm