“Thiến sinh học” đủ sức răn đe thì nên thực hiện
Tại phiên thảo luận ngày 3/4, các đại biểu đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, trong đó vấn đề nhận được sự chú ý của các đại biểu là quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, “chúng ta đang nhầm lẫn vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự và vấn đề giảm nhẹ hình phạt” và đề nghị tội phạm ở độ tuổi này có thể giảm nhẹ hình phạt chứ không thể không xử lý.
Ngoài ra, đề cập đến thông tin cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long vừa bắt giữ hai đối tượng là ông nội và bố đẻ về cáo buộc xâm hại tình dục đối với con đẻ và cháu ruột mới chỉ 11 tuổi của mình, ĐB Nhưỡng cho rằng đây là điều trái thuần phong mỹ tục, là hiện tượng loạn luân không thể chấp nhận được. “Tôi cho rằng, cần có biện pháp mạnh để xử lý. Gần đây đã có ý kiến đưa vấn đề “thiến sinh học” vào luật, đề nghị nghiên cứu kỹ hình phạt này, nếu đủ sức răn đe thì nên nghiên cứu để thực hiện” - ông Nhưỡng kiến nghị.
Phạt “đại trà” không hạn chế được vi phạm
Liên quan đến quy định tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng “chỉ phạt tiền không là chưa đủ” và đề nghị ngoài việc phạt tiền thì với những trường hợp đã xử lý hành chính thì phải xử lý hình sự. “Đối với những người mua bán, nhỏ lẻ không sản xuất thì cần giảm nhẹ nhưng vẫn phải phạt để phòng ngừa và răn đe” – ĐB này nói.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Lâm Thành chỉ ra rằng: “Cần có cách tiếp cận đầy đủ hơn. Thứ nhất, cần căn cứ vào mức độ hiểu biết của người tham gia vào vấn đề an toàn thực phẩm để xử lý, người nào hiểu biết nhiều thì xử lý khác. Thứ hai là căn cứ vào quy mô sản xuất hàng hóa. Thứ ba là tính chất loại hình sản xuất kinh doanh, người nhập khẩu khác so với người buôn bán nhỏ lẻ”.
Về việc sử dụng chất cấm và chất phụ gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH cho rằng, nếu cứ áp dụng quy định “đại trà” như hiện nay thì sẽ không thay đổi được hiện trạng xử lý các hành vi vi phạm. “Ví dụ, chúng ta quy định việc sử dụng chất cấm tuyệt đối nguy hiểm cho sức khỏe thì áp dụng hình sự luôn chứ không cần đi theo hành chính rồi sau đó mới hình sự. Còn hành vi sử dụng chất cấm vượt ngưỡng cho phép thì có thể xử lý hành chính rồi mới xử lý hình sự. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ khái niệm “chất phụ gia”./.