Vì sao ẩu đả tăng cao dịp Tết?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết Quý Mão, số ca cấp cứu vì ẩu đả vẫn cao – đó là thông tin không vui nhận được sau những ngày nghỉ Tết.

Theo báo cáo tổng hợp của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, sau 6 ngày nghỉ Tết Quý Mão (từ sáng 29 đến mùng 5 Tết), cả nước ghi nhận trung bình mỗi ngày có 500 ca khám, cấp cứu do các tai nạn liên quan đến đánh nhau. Riêng từ sáng mùng 4 đến sáng mùng 5 Tết có 513 ca vào viện (tăng gần 10% so với cùng ngày Tết năm ngoái); 243 người trong số này phải nhập viện điều trị, có thêm người tử vong vì đánh nhau. Tính chung sau 6 ngày nghỉ lễ, có 3.041 ca cấp cứu do đánh nhau, tăng so với Tết năm 2022. 43% trong số đó (hơn 1.300 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 10 trường hợp tử vong.

Tại TP HCM, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cũng ghi nhận số ca nhập viện do đánh nhau tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022...

Vì sao người Việt “thích” ẩu đả đến vậy? Câu hỏi này luôn được đặt ra sau các dịp Tết khi con số các vụ ẩu đả không hề có xu hướng giảm trong những ngày nghỉ lễ đón xuân. Có quan điểm cho rằng các vụ đánh nhau, tai nạn giao thông đều tăng đột biến trong các dịp nghỉ lễ là biểu hiện tất yếu của tình trạng sử dụng rượu bia đang không ngừng tăng lên.

Bằng chứng là con số chính thức từ cuộc khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho biết, trung bình một người Việt chi khoảng 26,7 ngàn đồng/tháng cho rượu, bia. Trong khi con số này năm 2010 chỉ khoảng 14,9 ngàn đồng/tháng. Trong đó, mức chi tiêu bình quân của một người khu vực thành thị đã tăng từ 21,2 ngàn đồng/tháng (năm 2010) lên mức 30 ngàn đồng/tháng năm 2020. Ở nông thôn, mức chi tiêu bình quân cho bia rượu của một người khu vực nông thôn đã tăng từ 12,3 ngàn đồng/tháng (năm 2010) lên mức 24,8 ngàn đồng/tháng năm 2020.

Nhưng không phải ai cũng uống rượu là đánh nhau, bản thân bia rượu không có lỗi. Lỗi là vì người sử dụng đã để cho bia rượu “uống” mình, từ đó vấn đề ý thức, nhận thức về đạo đức, pháp luật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ở góc độ khác, các chuyên gia tâm lý cho rằng tình trạng ẩu đả tăng cao vào ngày Tết cho thấy một sự thật đáng báo động về vấn đề thiếu kỹ năng sống của một bộ phận người dân trong xã hội, nhất là giới trẻ, nên dẫn đến lối hành xử hung hãn, lạm dụng bạo lực, dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Nếu như được trang bị đầy đủ kỹ năng sống thì khi gặp chuyện, mỗi người có cách xử sự tế nhị, nhẹ nhàng, êm đẹp, văn minh thay vì lao vào đánh nhau vì những tranh cãi, mâu thuẫn nhỏ nhặt.

Không chỉ vậy, nếu mỗi người được trang bị đầy đủ kỹ năng sống thì nhận thức về việc sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng cũng được nâng cao hơn. Để từ đó không xảy ra những hành vi làm phiền, gây mất trật tự nơi công cộng. Sở dĩ nói vậy bởi những năm gần đây vấn nạn karaoke tự phát tồn tại quanh năm suốt tháng, đặc biệt phát triển mạnh vào dịp Tết cũng là một trong những nguyên nhân khiến mâu thuẫn nảy sinh. Tình trạng này kéo theo cự cãi, ẩu đả làm mất tình thân, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Đọc thêm