Vì sao cân bằng dinh dưỡng giúp bảo vệ môi trường?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không nhất thiết phải thực hiện những kế hoạch dài hạn với quy mô lớn, cân bằng dinh dưỡng giữa đạm động vật và đạm thực vật trong bữa ăn mỗi ngày cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường.
Chế độ ăn nhiều thịt tạo ra tác động tiêu cực đối với môi trường theo nhiều khía cạnh. Nguồn ảnh: The Food Institute.
Chế độ ăn nhiều thịt tạo ra tác động tiêu cực đối với môi trường theo nhiều khía cạnh. Nguồn ảnh: The Food Institute.

Ý thức thay đổi hành vi ăn uống sẽ giúp ích đáng kể cho môi trường

Nghiên cứu gần đây của Đại học Oxford đã khảo sát 55.000 người tại Anh có chế độ ăn khác nhau và sử dụng dữ liệu từ 38.000 trang trại ở 119 quốc gia, nhằm xác định tác động lên môi trường của các nhóm tiêu dùng thực phẩm khác nhau gồm nhóm ăn nhiều thịt (hơn 100 gam thịt/ngày), nhóm ăn ít thịt (dưới 50 gam thịt/ngày), nhóm ăn cá, nhóm ăn chay (chú trọng thực vật) và thuần chay.

Theo kết quả khảo sát, chế độ ăn nhiều thịt tạo ra 10,24 kg CO2/người/ngày, trong khi chế độ ăn ít thịt tạo ra 5,37 kg. Trong khi đó, chế độ ăn thuần chay giảm lượng khí thải này xuống còn 2,47 kg/ngày, đạt mức thấp nhất trong tất cả các chế độ ăn được đưa vào nghiên cứu.

Xét đến khía cạnh sử dụng nước, chế độ ăn nhiều thịt cần đến 890 lít/người/ngày, gần gấp đôi lượng nước được sử dụng để sản xuất thực phẩm cho chế độ ăn thuần chay. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều thịt (16,78 m2) được phát hiện cần gần gấp bốn lần diện tích đất cần thiết cho chế độ ăn thuần chay (4,37 m2). Những phát hiện này cho thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn chế độ ăn uống trong việc giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

So với các chế độ ăn khác, chế độ ăn thuần chay tạo ra ít lượng phát thải khí nhà kính nhất. Nguồn ảnh: On Point Nutrition.

So với các chế độ ăn khác, chế độ ăn thuần chay tạo ra ít lượng phát thải khí nhà kính nhất. Nguồn ảnh: On Point Nutrition.

Bên cạnh đó, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc đánh giá ngành chăn nuôi toàn cầu đã và đang gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng như thoái hoá đất, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, thiếu nước và ô nhiễm nước, mất đa dạng sinh học. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Climate, ngành chăn nuôi ước tính chiếm khoảng 15% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Thống kê trên trang Our World in Data còn cho biết ngành chăn nuôi để lấy thịt, trứng, sữa chiếm đến 77% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu nhưng chỉ tạo ra 18% lượng calo và 37% tổng lượng đạm của thế giới. Việc bữa ăn hằng ngày góp mặt thực phẩm nào, với mức độ bao nhiêu, có thể quyết định tác động trực tiếp của chúng ta đối với môi trường.

Tập thói quen cân bằng dinh dưỡng ngay từ hôm nay

Đối với người Việt, kết quả Tổng điều tra về dinh dưỡng cho thấy năm 2020, lượng tiêu thụ thịt bình quân (135g/người/ngày) cao hơn hẳn Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị năm 2016 của Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng (70g/người/ngày). Đặc biệt, lượng thịt đỏ chiếm đến 95,5g. Theo đó, tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam đã tăng từ 12% năm 2010 lên 19,5% năm 2020 và đây là một trong những nguyên nhân gây gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây (MTKL) như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường… Bên cạnh việc đẩy tỷ lệ bệnh MTKL lên cao, việc tiêu thụ thịt và thịt đỏ quá mức đang góp phần gây tổn hại cho môi trường.

Lượng tiêu thụ thịt năm 2020 của người Việt vượt nhiều so với mức khuyến nghị. Nguồn: Viện Dinh dưỡng.

Lượng tiêu thụ thịt năm 2020 của người Việt vượt nhiều so với mức khuyến nghị. Nguồn: Viện Dinh dưỡng.

Ngoài ra, so với dân số hơn 68 triệu người của Vương quốc Anh, dân số của Việt Nam cao hơn nhiều với khoảng 100 triệu người. Nếu người Việt có thể chung tay thay đổi các thói quen tiêu dùng thực phẩm, hướng đến việc giảm đạm động vật và thêm đạm thực vật, chúng ta có thể tạo ra nhiều tác động tốt lên môi trường.

Việc tiêu dùng thực phẩm theo hướng cân bằng dinh dưỡng, tạo tác động tích cực đến môi trường cần sự chung tay của tất cả người Việt. Nguồn ảnh: Healthline.

Việc tiêu dùng thực phẩm theo hướng cân bằng dinh dưỡng, tạo tác động tích cực đến môi trường cần sự chung tay của tất cả người Việt. Nguồn ảnh: Healthline.

Theo đó, bên cạnh việc duy trì lối sống cân bằng, chúng ta có thể bắt tay ngay vào việc cân bằng dinh dưỡng, cụ thể là giảm đạm động vật và thêm đạm thực vật vào chế độ ăn mỗi ngày, để vừa tăng cường sức khỏe vừa góp phần giúp ích cho môi trường sống của chúng ta. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đưa ra khuyến nghị: “Người trưởng thành (từ 19 tuổi trở lên) nên ăn đạm động vật theo tỷ lệ 30-35% tổng số đạm nạp vào” và “Tuổi càng cao nên ăn lượng đạm động vật càng ít, và cần bổ sung lượng đạm hợp lý theo tỷ lệ là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật”.

Bạn có biết đậu nành cung cấp nhiều đạm hơn trên mỗi đơn vị khí thải nhà kính so với nhiều nguồn thực phẩm phổ biến khác? Ngoài ra, đậu nành còn được xem là nhà máy sản xuất đạm tự nhiên nhờ các nốt sần trong rễ cây, giúp cải thiện đất thông qua khả năng hấp thụ ni-tơ tự nhiên. Nhờ đó, nông dân sẽ tăng cao năng suất cho các vụ mùa nếu luân canh đậu nành cùng các cây ngắn ngày khác.Tìm hiểu thêm thông tin đậu nành tại www.vinasoy.com

Đọc thêm