Vì sao cần xây dựng “văn hóa xe đạp” tại đô thị?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để xây dựng văn hóa xe đạp, cần tăng cường công tác truyền thông về các lợi ích như góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng sức khỏe cho Nhân dân, phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại.
Xe đạp công cộng thay đổi thói quen đi lại, góp phần bảo vệ môi trường. (Ảnh: HT)
Xe đạp công cộng thay đổi thói quen đi lại, góp phần bảo vệ môi trường. (Ảnh: HT)

“Mảnh ghép” quan trọng trong phát triển giao thông xanh

Nhìn vào bức tranh giao thông tại Việt Nam có thể thấy mật độ các phương tiện giao thông ngày càng nhiều, chủ yếu là ô tô và xe máy, đã và đang tác động trực tiếp môi trường sống và sức khỏe người dân. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông phát thải vào không khí một khối lượng lớn các loại khói, khí độc như CO, CO2, hydrocacbon, NO2, SO2, khói đen, chì và các dạng hạt khác, từ đó trở thành “gánh nặng” cho môi trường.

Nhận thấy xe đạp là “mảnh ghép” quan trọng trong xu hướng phát triển giao thông xanh, xây dựng đô thị bền vững, những năm qua Hà Nội là thành phố tiên phong xây dựng văn hoá xe đạp.

Đầu năm 2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội chính thức khai trương thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp công cộng ven sông Tô Lịch. Tuyến đường dài 2,3km từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, chạy dọc sông Tô Lịch, kết nối với các loại hình hành khách công cộng phổ biến như tuyến đường sắt đô thị và tuyến xe buýt; Tạo điều kiện thuận lợi và an toàn nhất cho người dân Thủ đô di chuyển bằng xe đạp.

Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để những tuyến đủ điều kiện tiếp tục tổ chức làn đường ưu tiên cho xe đạp. Từ đó tạo thói quen cho người dân Thủ đô sử dụng phương tiện công cộng bảo vệ môi trường cũng như góp phần giảm thiểu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

Đầu tư đồng bộ, tăng cường truyền thông

Trước đó, vào tháng 8 năm 2023, dự án xe đạp công cộng tại Hà Nội đã được đưa vào thí điểm, khai thác 1.000 xe giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng. Với 79 địa điểm, trong đó, các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm đều có từ 10 trạm trở lên và đều được đặt tại vị trí có thể kết nối các loại hình hành khách công cộng, công viên, điểm du lịch…

Đến nay, sau gần một năm thí điểm, theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội), có hơn 315 nghìn lượt thuê xe đạp, trung bình gần 1.150 chuyến/ngày. Trước con số trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết sẽ cùng đơn vị vận hành đánh giá hiệu quả của mô hình này sau một năm hoạt động trước khi xem xét việc nhân rộng tới các khu vực khác.

Ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến phố trung tâm, số người lựa chọn di chuyển bằng xe đạp công cộng không nhiều. Theo ý kiến một số người dân, dù giá thuê xe hợp túi tiền nhưng địa điểm các trạm trả xe còn hạn chế nên phương tiện giao thông cá nhân vẫn được ưu tiên hàng đầu. Còn tại tuyến đường dành riêng cho người đi xe đạp tại Hà Nội, trái ngược với đường Láng đông xe cộ qua lại, làn đường dành cho xe đạp lại khá vắng vẻ trong giờ cao điểm, chỉ lác đác người đạp xe. Một số nguyên nhân khiến con đường này trở nên “vắng hoe” được cho là nút chắn bố trí chưa hợp lý, nhiều rác thải bủa vây gây mất mĩ quan và mùi khó chịu bốc lên từ sông Tô Lịch.

Có thể thấy, dù nhiều dự án thúc đẩy xe đạp phát triển đã được triển khai nhưng hầu hết vẫn chỉ mang tính thí điểm, chưa thực sự thuận tiện cho người dân Thủ đô di chuyển. Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng văn hoá xe đạp cần rất nhiều thời gian, công sức, không chỉ tập trung vào đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ mà cần tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của xe đạp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng sức khỏe cho Nhân dân, phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại.

Đọc thêm