Vì sao chậm khởi tố vụ sập nhà thảm khốc khiến 6 người thương vong?

(PLO) -Một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra, căn ngôi nhà 5 tầng đổ sập khiến 3 người trong gia đình tử vong tại chỗ, 3 người khác bị thương nặng. Sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, gia đình các nạn nhân đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa nhận được kết luận cuối cùng...
Hiện trường vụ sập nhà
Hiện trường vụ sập nhà

Tại sao chần chừ chưa xử lý?

Theo thông tin được biết, cơ quan công an đã vào cuộc khảo sát địa chất khu vực xảy ra vụ sập nhà, giám định chất lượng bê tông ngôi nhà đã sập. Tuy nhiên, lại không khởi tố vụ án để làm cơ sở điều tra, xác minh.

Đồng thời khi làm việc với gia đình anh Đức, đại diện Công ty Xuân Hòa đề nghị là sẽ hỗ trợ cho gia đình nạn nhân, chứ không bàn đến việc bồi thường theo quy định của pháp luật.

Sự chần chừ, chậm trễ của cơ quan công an và thái độ né tránh trách nhiệm. Nhận định về vụ việc này, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết:

“Tôi đánh giá vụ việc trên là đặc biệt nghiêm trọng, có thể đánh giá tính nghiêm trọng của vụ việc này còn lớn hơn vụ việc sập nhà tại 43 Cửa Bắc mà dư luận sôi sục thời gian qua.

Với vụ việc có dấu hiệu hình sự và tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vậy, lẽ ra ngay sau khi vụ việc xảy ra Cơ quan Cảnh sát điều tra phải nhanh chóng khởi tố vụ án theo Điều 13, Điều 100 và Điều 104 Bộ luật Tố tụng Hình sự để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Tú cho biết thêm, về nguyên tắc và theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi nắm được thông tin một vụ việc có dấu hiệu hình sự đã xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình phải khởi tố vụ án hình sự.

Việc khảo sát địa chất nơi có công trình, giám định bê tông của ngôi nhà bị sập là những công việc cần thiết, nhưng lẽ ra nên triển khai sau khi khởi tố vụ án để làm cơ sở tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh.

Do đó, đến nay đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng vụ việc này vẫn chưa được khởi tố vụ án hình sự là một điều hết sức khó hiểu và cần làm rõ vì sao Cơ quan Cảnh sát điều tra lại chần chừ, chậm trễ như vậy.

Theo đánh giá của luật sư, ngôi nhà bị sập mới xây dựng từ tháng 2/2016 do đó phải có tác động lớn vào kết cấu xây dựng của ngôi nhà này thì mới khiến ngôi nhà đổ sụp hoàn toàn. Khả năng là do phần móng bị xâm phạm nghiêm trọng dẫn đến sụt lún, nghiêng và đổ sập hoàn toàn.

Nếu điều tra xác minh đúng tác nhân chính dẫn đến sự cố này là do quá trình thi công công trình liền kề của Công ty Xuân Hòa gây ra thì người chỉ đạo thi công, người trực tiếp thực hiện công việc thi công dẫn đến hậu quả trên sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Vụ việc này có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì làm chết 3 mạng người, 3 người bị thương tích, đổ sập hoàn toàn ngôi nhà 5 tầng nên các đối tượng này rất có thể đối mặt với khung hình phạt từ 8 năm đến 20 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, vụ việc trên có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thuộc trường hợp khởi tố không cần có yêu cầu của người bị hại nên lẽ ra Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Cao Bằng đã phải khởi tố vụ án để điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Việc chần chừ, chậm trễ giải quyết vụ việc là chưa tuân thủ chặt chẽ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, cần có biện pháp khắc phục. Gia đình nạn nhân và dư luận xã hội không thể chờ đợi quá lâu để công lý được thực thi…

Những cái chết đau xót

Đã hơn 4 tháng kể từ khi vụ sập nhà thảm khốc khiến 6 người trong gia đình ông Nguyễn Hữu Điếm thương vong xảy ra nhưng tới thời điểm hiện tại các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc này.

Sự chậm trễ và lối hành xử nửa vời của thủ phạm gây ra vụ sập nhà (đơn vị thi công) khiến gia đình nạn nhân và dư luận không khỏi bức xúc. Suốt nhiều tháng qua, đại diện phía gia đình người bị hại phải cầu cứu khắp nơi để mong tìm công lý cho thân nhân của mình.

Trước đó vào khoảng 3h sáng 17/4, căn ngôi nhà 5 tầng tại tổ 30, phố Kim Đồng, phường Hợp Giang (TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) của gia đình ông Nguyễn Hữu Điếm bất ngờ đổ sập khiến 3 người trong gia đình tử vong tại chỗ, 3 người khác trong gia đình bị thương nặng. 

Danh tính các nạn nhân bị tử vong được xác định là: ông Nguyễn Hữu Điếm (72 tuổi), bà Nguyễn Thị Huệ (72 tuổi, vợ ông Điếm) và chị Hoàng Thị Duyên (38 tuổi, con dâu của vợ chồng ông Điếm). Ngoài ra 3 thành viên trong gia đình may mắn thoát chết là anh Nguyễn Hoài Đức (41 tuổi, con trai ông Điếm) cùng 2 con anh Đức là cháu Nguyễn Đức Anh (6 tuổi) và cháu Nguyễn Hoàng Anh (3 tuổi) nhưng bị thương nặng. 

Đám tang của 3 nạn nhân
Đám tang của 3 nạn nhân

Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn xác định là do việc thi công đào móng nhà của hộ gia đình hàng xóm là ông Trương Xuân Hòa (Giám đốc Công ty Thương mại Xuân Hòa Cao Bằng) gây chấn động mạnh, dẫn tới việc căn nhà 5 tầng mới được xây dựng vào tháng 2/2016 của gia đình ông Hữu Điếm bị đổ sập trong đêm.

Đại diện phía gia đình nạn nhân cho biết, sau khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, phía công an có thực hiện lập biên bản hiện trường và yêu cầu phía người bị hại (3 nạn nhân bị thương) đi giám định y khoa. Tiếp sau đó, sau buổi làm việc với đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng, anh Nguyễn Hoài Đức cũng đã có đơn kiến nghị sớm giải quyết, làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này phía cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc, cũng như có hướng chỉ đạo khắc phục hậu quả một cách tích cực, điều này khiến gia đình nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn và gây tâm lý bức xúc.

Anh Đức cho biết, sau khi vụ tai nạn xảy ra phía gia đình anh cũng rất thiện ý với đơn vị thi công trình (nhà hàng xóm) vì nghĩ dù sao sự việc đã xảy ra rồi và cả hai bên đều không ai mong muốn. Thế nhưng trái với vẻ thiện ý của gia đình người bị hại, đơn vị thi công lại tỏ ra khá thờ ơ và vô trách nhiệm.

“Làm việc với gia đình tôi, họ chỉ định giá căn nhà và tài sản là 4 tỷ đồng, không hề nhắc tới việc bồi thường thiệt hại về con người (3 người chết) và việc hỗ trợ nuôi dạy 2 đứa trẻ nhà tôi (cháu Đức Anh - 6 tuổi và cháu Hoàng Anh - 3 tuổi).

Không những thế, họ còn tỏ ra vẻ trịch thượng, chỉ ghi vào văn bản làm việc là “hỗ trợ” cho gia đình tôi chứ không phải là “bồi thường”, việc này chẳng khác nào như họ bố thí, ban ơn cho gia đình tôi. Điều này là không thể chấp nhận được…”, anh Đức bức xúc nói.

Xâu chuỗi các sự việc trên cho thấy, việc điều tra làm rõ và có kết luận sớm nguyên nhân về vụ tai nạn là việc rất cấp thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình người bị hại, cũng như phía đơn vị thi công.

Thế nhưng sau hơn 4 tháng kể từ khi vụ việc xảy ra việc dần như bị trôi vào “quên lãng” khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi rằng: phải chăng cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng không đủ “năng lực” để xác định nguyên nhân của vụ việc, hay sự “chậm trễ” này là có chủ đích?

Đọc thêm