Từ màu hồng mặc định đến “thuế hồng”
Định kiến giới hiện diện trong cuộc sống hằng ngày, bao gồm cả trong màu sắc quần áo và đồ chơi cho trẻ em. Đến khi con trẻ bắt đầu nhận thức, mọi người trong gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi, thường nói những câu như: “Con trai ai lại mặc màu hồng” hay “Con gái thì phải chơi búp bê, xe cộ khủng long là của con trai” hoặc “Con trai chơi nấu bếp làm gì, phải chơi bắn súng chứ”... Điều này tạo ra những khuôn mẫu về giới (gender stereotype) và vai trò giới (gender role). Họ đang định hướng lựa chọn cá nhân của con trẻ cho “đúng” với thiên kiến của xã hội về sự khác biệt giới tính, để con “không bị chê cười khi ra đường”. Nhưng liệu điều đó có giúp ích cho sự phát triển cũng như tương lai của con không?
Tháng 6/1918, trên Tạp chí Trẻ em của Mỹ, một bài báo đã từng tổng kết rằng: “Màu hồng là màu của con trai, còn màu xanh là màu của con gái”. Lí do là vào thời kỳ bấy giờ, màu hồng thể hiện sự mạnh mẽ và quyết đoán hợp với phái mạnh, còn màu xanh mềm mại và thanh nhã nên dành cho phái yếu. Trào lưu phân biệt màu sắc theo giới tính tồn tại khoảng nửa đầu thế kỉ 20 từ nước Mỹ, theo Jo Paoletti - một nhà xã hội học tham gia nghiên cứu trên.
Tại sao lại có sự mặc định như vậy? Vì nhiều quan điểm cho rằng đó là một “quy chuẩn” của mọi xã hội và thậm chí, nó cũng có thể là một đặc điểm sinh học của con người, nên cần mặc nhiên thừa nhận. Bé trai mang giới tính nam, đương nhiên là thích màu xanh, ngược lại, màu hồng nữ tính là của riêng những bé gái.
|
Thuế hồng khiến cho cùng là nước súc miệng giống nhau nhưng mức giá chênh lệch là 1 USD cho phiên bản của nữ. (Nguồn: Tạp chí đẹp) |
Không chỉ màu sắc, sự mặc định còn sâu hơn nữa khi đồ chơi được tiếp thị cho bé gái thường nhấn mạnh vào sự hấp dẫn cùng kỹ năng gia đình, trong khi đồ chơi được tiếp thị cho bé trai có xu hướng liên quan đến tính cạnh tranh và bạo lực. Điều này đã vô tình tạo ra những quan niệm, định kiến rằng bé gái được khuyến khích chơi búp bê nên tất nhiên việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của phụ nữ. Tương tự, khi bé trai chỉ tiếp xúc với đồ chơi mang tính bạo lực, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận rằng nam giới phải mạnh mẽ, quyết đoán và hiếu chiến.
Thậm chí, từ những quan niệm này mà một loại thuế đã hình thành, đó là “Pink tax” (thuế hồng). Mặc dù được gọi là “thuế” nhưng thuế hồng không hề xuất hiện chính thức trong luật pháp và được chính phủ các nước quy định rõ ràng như các loại thuế khác. Tên gọi “thuế hồng” ra đời bởi màu hồng vốn được coi là màu sắc thường đại diện cho phái nữ (các sản phẩm, vật dụng dành cho phụ nữ có xu hướng sử dụng màu hồng trong mẫu mã, bao bì). Khi kết hợp với “thuế”, pink tax đề cập đến khoản chi phí vô lý mà nữ giới cần phải trả thêm cho các sản phẩm tiếp thị đặc biệt dành cho phụ nữ so với sản phẩm tương đương dành cho nam giới. Đơn giản hơn, thuế hồng dùng để chỉ khoản chi phí chênh lệch nhằm vào các sản phẩm và dịch vụ dành cho phái nữ so với phái nam.
Theo một nghiên cứu của Cơ quan tư vấn tiêu dùng New York (CDCA) diễn ra trên 800 loại sản phẩm, phụ nữ phải trả nhiều tiền hơn cho hầu hết các sản phẩm trong suốt cuộc đời của họ, từ quần áo trẻ em đến các mặt hàng chăm sóc sức khỏe tại nhà. Có thể kể đến như quần áo nữ đắt hơn 8% so với phái nam, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe dành cho nữ đắt hơn nam khoảng 13% hay thậm chí là đồ chơi dành cho các bé gái đắt hơn 7% so với bé nam. Nếu cùng là sản phẩm dao cạo, nam giới chỉ phải chi trả $4.99 thì nữ giới phải trả đến $5.39. Không chỉ dừng lại ở những mặt hàng thông thường, “thuế hồng” còn đề cập đến phần chi phí phụ thêm đối với những sản phẩm tiêu dùng mà nữ giới bắt buộc phải sử dụng như băng vệ sinh, cốc nguyệt san…
“Thuế hồng” đã có mặt từ rất sớm thông qua các cuộc nghiên cứu về tiêu dùng ở Mỹ. Vào năm 1994, một báo cáo từ bang California, Mỹ cho biết 64% cửa hàng ở nhiều thành phố tính thêm phụ phí khi giặt, hấp áo nữ cho thấy hiện tượng “thuế hồng” đã tồn tại ít nhất từ những năm 1990. Tuy nhiên vào thời điểm đó, cụm từ “thuế giới tính” (gender tax) thường được sử dụng hơn thay vì “thuế hồng”. Bẵng đi khoảng hai thập kỉ, đến năm 2015, sự xuất hiện của “thuế hồng” đã trở thành tâm điểm và nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhiều hơn bao giờ hết khi hạ nghị sĩ đảng Dân chủ tại California, Jackie Speier, đã giới thiệu về Đạo luật bãi bỏ “thuế hồng”.
Lý do của sự phản đối bởi “thuế hồng” hiển nhiên làm sức mua của phụ nữ giảm sút, kéo theo hệ lụy là mức lương của hai giới sẽ càng cách biệt hơn (hiện tại trên nhiều nước, vấn đề sự mất cân bằng về lương trong cùng một công việc đã và đang xảy ra, khi mà phụ nữ có mức lương thấp hơn 10% so với nam giới); “thuế hồng” hứa hẹn sẽ làm trầm trọng hóa phân biệt giới tính trong tương lai. Sau ý kiến của hạ nghị sĩ đảng Dân chủ, làn sóng ủng hộ đến từ nữ giới về Đạo luật trên trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết…
Đừng ngăn trẻ em được làm chính mình
Theo các nghiên cứu, việc xóa bỏ định kiến giới trong đồ chơi không chỉ giúp trẻ phát triển cân bằng mà còn đóng góp vào việc thay đổi nhận thức xã hội về vai trò giới tính, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống. Hiện nay, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang nỗ lực xóa bỏ định kiến giới trong đồ chơi. Đơn cử như năm 2022, Tây Ban Nha phê duyệt Bộ luật tự quản mới về quảng cáo đồ chơi dành cho trẻ em. Luật này cấm các quảng cáo nhắm vào trẻ vị thành niên sử dụng hình ảnh phân biệt đối xử, khiêu dâm hoặc hạ thấp nhân phẩm của trẻ em gái; đồng thời khuyến khích sử dụng các hình ảnh đa dạng không có định kiến giới tính. Quy định này cũng cam kết tránh liên tưởng đồ chơi với các vai trò (công việc gia đình hoặc làm đẹp với trẻ em gái; các hành động, hoạt động thể chất hoặc công nghệ với trẻ em trai) và yêu cầu đồ chơi không được trình bày với bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chúng dành cho một giới tính này hay giới tính khác.
Cùng thời điểm trên, nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch cũng tuyên bố sẽ nỗ lực xóa bỏ định kiến giới tính khỏi đồ chơi của mình. Theo đó, hãng không còn tiếp thị các mặt hàng dành riêng cho bé gái hay bé trai nữa mà sẽ bán các sản phẩm trung tính về giới tính, cho bất kỳ ai muốn mua chúng.
Trước đây, thương hiệu đồ chơi trẻ em nổi tiếng thế giới Hamleys luôn chia ra 2 tầng riêng theo giới tính: một tầng là đồ chơi dành cho bé gái chỉ toàn sắc hồng và một tầng là đồ chơi dành cho bé trai với sắc xanh dương. Nhưng từ năm 2011, thương hiệu đến từ Anh quốc này đã thay bằng các bảng hiệu phân chia theo hạng mục đồ chơi như thú nhồi bông, xe cộ, mô hình…
|
Việc xóa bỏ định kiến giới trong màu sắc quần áo, đồ chơi giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống. |
Sở dĩ các sản phẩm trung tính về giới tính được đề cao vì theo những đánh giá và khảo sát từ Hiệp hội đồ chơi Mỹ mới đây cho biết, đồ chơi trung tính về giới ngày càng phổ biến và nhận được sự quan tâm của các gia đình có con nhỏ tại Mỹ và các nước châu Âu vì mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em. Các nghiên cứu về tâm lý hành vi dựa trên giới cũng chỉ ra, những đồ chơi trung tính, nhất là đồ chơi liên quan đến STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), có những lợi ích đặc biệt cho việc phát triển các vùng não của trẻ em liên quan đến tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và lý luận không gian; giúp trẻ em được tự do khám phá dựa trên sở thích của mình một cách độc lập, không theo cách xã hội phân loại theo giới tính hoặc nhận định theo giới tính của trẻ.
Chiến dịch của thương hiệu đồ chơi trẻ em nổi tiếng Hamleys cũng bắt nguồn từ nhận định của nhà khoa học thần kinh Laura Nelson: “Sự phát triển của con trẻ sẽ bị giới hạn nếu các con chỉ được chơi với một loại đồ chơi nhất định”.
Lựa chọn đồ chơi trung tính về giới tính cho phép trẻ được tự do khám phá và phát huy tiềm năng cá nhân, đồng thời phát triển kỹ năng giao tiếp và cảm xúc. Vì đồ chơi trung tính STEM được thiết kế khuyến khích trẻ chơi theo kiểu mở với không gian thử nghiệm và sai sót. Điều này vô cùng có giá trị giúp trẻ em hiểu rằng sai lầm là một phần của quá trình học tập. Cùng với những lợi ích về nhận thức, đồ chơi trung tính về giới cho phép trẻ em ở mọi giới tính được sáng tạo, thực hành chơi và đưa ra lựa chọn dựa trên sở thích của mình.
Không để khuôn mẫu phá hoại tương lai của trẻ
Khuôn mẫu chính là tiền đề của định kiến xã hội. Khi một cá nhân không tuân theo, họ sẽ bị số đông phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị. Những định kiến này ăn sâu sẽ khiến nhiều người khó lòng khoan dung hơn với những điều khác biệt. Hơn nữa, khuôn mẫu giới tính còn là vật cản ngăn chúng ta hướng đến bình đẳng giới và xoá bỏ sự phân biệt giới tính. Nếu chúng ta cứ tiếp tục “tiêm nhiễm” vào đầu óc con trẻ những định kiến kiểu “trai xanh, gái hồng” như vậy thì liệu có công bằng cho những đứa trẻ với đặc điểm khác biệt. Khi trẻ không “vừa vặn” với bất kỳ khuôn mẫu nào, nhưng phải gò mình theo quan niệm của người lớn và kìm nén cá tính riêng, đời sống tinh thần của trẻ chắc hẳn sẽ vô cùng tiêu cực và u uất. Khi bị phụ huynh đóng khuôn sự lựa chọn, trẻ sẽ mất đi rất nhiều cơ hội trải nghiệm và học hỏi. Vô tình, họ cũng đang ngăn cản trẻ khám phá tính cách, tài năng, điểm mạnh và điểm yếu. Điều này rất dễ dẫn đến khủng hoảng căn tính (identity crisis) về sau với trẻ khi đã trưởng thành.