Đạt 4/5 tiêu chí để đưa ra khỏi nhóm
Trước đó, tại phiên họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương cuối tháng 3/2019, đã thống nhất các tiêu chí đưa dự án, doanh nghiệp (DN) ra khỏi danh sách các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (danh sách).
Theo đó, có 5 nhóm tiêu chí được đưa ra để làm căn cứ đưa dự án, DN ra khỏi danh sách gồm: Tiêu chí về đầu tư, sản xuất kinh doanh, tài chính, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và kế hoạch đã được giao.
Báo cáo BCĐ, Bộ Công Thương cho hay, Dự án DAP1 đã đáp ứng đầy đủ 4/5 tiêu chí và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu còn lại nên Bộ này đã đề xuất để đưa ra khỏi danh sách. Cụ thể, Dự án DAP1 đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón tại Khu kinh tế Đình Vũ, đã phê duyệt xong quyết toán từ năm 2013 và hiện không vướng mắc với nhà thầu EPC; đã hoàn thành việc quyết toán toàn bộ vốn đầu tư cho ngân hàng theo đúng tiến độ, thực hiện nghiêm túc quy định của hợp đồng tín dụng, không phát sinh nợ quá hạn.
Dự án DAP1 cũng được cho là thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và các khoản phải thu nộp ngân sách phát sinh, không xảy ra nợ đọng về thuế; Dự án được giao 5 nhiệm vụ gồm: Hoàn thành việc đàm phán và quyết toán gói thầu hợp đồng EPC và quyết toán dự án; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho từng năm; xây dựng phương án xử lý chất thải thạch cao PG; cơ cấu lại các khoản nợ của dự án và thoái vốn nhà nước khỏi dự án. Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm báo cáo đã hoàn thành 4 nhiệm vụ và cơ bản hoàn thành với nhiệm vụ còn lại.
Cũng theo Bộ Công Thương, tính từ năm 2017 đến nay, qua từng năm về tổng thể kết quả thực hiện sản xuất, kinh doanh đa số ổn định. Các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp tổng doanh thu thuần đều và có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Từ quý III năm 2017, Dự án DAP1 đã có lãi và đạt được mục tiêu thoát lỗ cả năm 2017. Lợi nhuận của các quý năm 2018 được liên tục duy trì ổn định, lũy kế cả năm đạt hiệu quả cao, đạt hơn 195 tỷ đồng. 6 tháng năm 2019 tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi với lợi nhuận đạt hơn 23 tỷ đồng.
Thoát lỗ chưa căn bản?
Được biết, đề xuất của Bộ Công Thương đưa Dự án DAP1 ra khỏi danh sách là dựa trên báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cùng quan điểm của nhiều bộ, ngành được lấy ý kiến. Tuy nhiên theo tìm hiểu, trong các ý kiến mà các bộ, ngành đưa ra vẫn còn đó nhiều băn khoăn về việc có nên đưa Dự án DAP1 ra khỏi danh sách hay không.
Theo một số bộ, ngành, mặc dù Dự án DAP1 đã hoạt động được cho là có lãi kể từ năm 2017 đến nay, nhưng tổng số lãi lũy kế vẫn nhỏ hơn so với lỗ lũy kế của giai đoạn trước. Vì vậy, dự án vẫn còn lỗ lũy kế khoảng 240 tỷ đồng. Do vậy, phương án sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, ngoài việc đảm bảo tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi, cần phải xem xét đến phương án bù đắp được lỗ lũy kế, đồng thời làm rõ hơn về tính khả thi của các phương án sản xuất, kinh doanh ổn định và có lãi. Đặc biệt, cần bổ sung nội dung về đánh giá tác động đối với các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án trong thời gian tới.
Ngoài ra, cũng theo một số bộ, ngành được lấy ý kiến đề xuất, mặc dù Dự án DAP1 đã xây dựng phương án xử lý chất thạch cao PG và quá trình triển khai thực hiện đã bước đầu có những kết quả khả quan (xử lý và tiêu thụ được trên 500 ngàn tấn bã PG). Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế, lượng thạch cao chuyển giao xử lý, tái chế còn thấp (tồn trên 3 triệu tấn). Do vậy, cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện xử lý đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo gửi tới lãnh đạo Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương vẫn cho rằng sau khi rà soát, đối chiếu và so sánh nhận thấy về tổng thể, nội dung giải trình, làm rõ của Vinachem là có cơ sở, bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí cơ bản và đủ điều kiện trình BCĐ xem xét, quyết định đưa Dự án DAP1 ra khỏi danh sách những dự án thua lỗ, kém hiệu của quả của ngành.
Dự án DAP1 do Vinachem làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh lần cuối cùng là 165,05 triệu USD (tương đương 2.764,52 tỷ đồng), tổng công suất 330 nghìn tấn diamon phốt phát (DAP)/năm. Dự án khởi động vào tháng 7/2003 và đã chạy thử sản xuất thành công tấn sản phẩm phân bón cao cấp đầu tiên trong tháng 4/2009. Tuy nhiên, dự án được cho là chậm tiến độ so với kế hoạch phê duyệt là 26 tháng và đến tháng 9/2017 bị đưa vào danh sách thuộc Đề án xử lý các tồn tại yếu kém, của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.