Vì sao điền kinh Việt Nam “hụt hơi”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - ASIAD 2018, điền kinh Việt Nam có 2 HCV, 3 HCĐ, xếp hạng 7 toàn đoàn, nhưng ở đại hội lần này chúng ta “trắng tay”, báo hiệu sự xuống phong độ của vận động viên (VĐV) và sự “hụt hơi” trong chiến lược thể thao thành tích cao.
Nguyễn Thị Oanh trắng tay tại ASIAD19, ảnh ASIAD19.
Nguyễn Thị Oanh trắng tay tại ASIAD19, ảnh ASIAD19.

Điền kinh Việt Nam mang tới ASIAD 19 12 VĐV với mục tiêu khiêm tốn là phấn đấu có huy chương, với niềm hi vọng được đặt vào Nguyễn Thị Oanh (1.500m, 3000m vượt chướng ngại vật), Nguyễn Thị Hường (nhảy ba bước) và đặc biệt đội hình tiếp sức 4x400m nữ mới đăng quang ở giải vô địch châu Á. Nhưng thành tích thi đấu của các VĐV nước ta vẫn là một khoảng cách khá xa với những VĐV giành HCV tại ASIAD 19.

Tối 4/10, niềm hy vọng có huy chương rất lớn ở bộ tứ Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng, nhưng họ đã để vuột tấm HCĐ trên đường chạy tiếp sức. Đó là một sự thật đáng tiếc, nhưng phải nhìn nhận rằng, điền kinh Việt Nam đang đi xuống sau thành tích vang dội tại ASIAD 18. Những VĐV giành HCĐ giải châu Á Nguyễn Thị Hường hay ngôi sao số 1 SEA Games Nguyễn Thị Oanh đều cho thấy một khoảng cách còn xa để có thể cạnh tranh. Đây cũng là tình cảnh của những cựu binh Nguyễn Thị Huyền (400m rào) hay nhà vô địch nhảy xa ở kỳ Đại hội trước Bùi Thị Thu Thảo, đã không còn duy trì được phong độ đỉnh cao của mình. Điền kinh Việt Nam lần đầu phải chấp nhận cảnh “tay trắng” sau 3 kỳ Á vận hội liên tiếp thành công.

Lịch sử điền kinh Việt Nam đã có những dấu mốc đáng nhớ với những “nữ hoàng” làm rạng danh thể thao nước nhà. Tại ASIAD 2010, điền kinh Việt Nam đã đoạt tới 5 huy chương (3 HCB, 2 HCĐ) nhờ sự tỏa sáng của bộ ba hảo thủ Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương và Vũ Văn Huyện. ASIAD 2014, Việt Nam tiếp tục giành 2 HCB, do công của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) và Quách Thị Lan (400m).

Tại ASIAD 2018, Việt Nam đã thành công rực rỡ, khi đoạt 2 HCV, 3 HCĐ. Điền kinh Việt Nam xếp hạng 7 toàn đoàn, xếp trên cả Hàn Quốc cùng nhiều đoàn mạnh khác. Thất bại của kỳ ASIAD 19 đã cho thấy điền kinh Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng những tài năng ở đẳng cấp châu lục, cụ thể ở hai “mũi nhọn” truyền thống là 400m nữ và nhảy xa, nhảy ba bước nữ. Vắng Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền cũng không còn ở đỉnh cao, ĐTVN không còn chân chạy nào có thể tranh chấp được huy chương 400m và 400m rào.

Cùng đó, đội hình tiếp sức 4x400m nữ cũng bị ảnh hưởng sức mạnh. Sau Bùi Thị Thu Thảo, nhảy xa nữ đang và sẽ phải đối mặt với khoảng trống mênh mông. Nguyễn Thị Hương gần như là nhân tố triển vọng duy nhất trên hố nhảy tam cấp. Song cô gái xứ Thanh đang đầu quân cho Hà Nội sẽ còn phải phấn đấu nhiều mới có thể đạt được tầm mức như đàn chị Vũ Thị Mến (HCV SEA Games, HCĐ ASIAD).

Ngoài nguyên nhân quyết định về lực lượng, thành tích của điền kinh Việt Nam phần nào đó cũng chịu thua thiệt bởi xu hướng nhập tịch của nhiều đoàn tại ASIAD, rõ nhất ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ. Từ kỳ ASIAD “trắng tay”, cả một “bài toán” lớn và khó đang được đặt ra cho các nhà chiến lược, quản lý, huấn luyện của môn điền kinh. Việt Nam đoạt tới 22 HCV ở SEA Games 31 rồi 12 HCV ở SEA Games 32, từng thành công ở 3 kỳ Á vận hội liên tiếp như vậy, song lần này lại không giành nổi một tấm huy chương nào.

Chúng ta có thể vẫy vùng ở “vùng trũng” Đông Nam Á, nhưng bước chân ra châu lục, “kiếm” được một tấm HCĐ khó khăn biết nhường nào. Ngành Thể dục thể thao không thể ngồi chờ vận may hay phong độ của VĐV, mà cần có phương án đào tạo chuyên nghiệp hướng đến thể thao thành tích cao. Phải đặt vị trí VĐV cao hơn, giành những ưu tiên hàng đầu, chứ không thể có chuyện như nghi vấn bớt xén từ suất ăn của đội trẻ đang làm “nóng” truyền thông, cộng đồng mấy hôm nay.

Muốn vươn ra thế giới phải có tầm nhìn và một phương pháp khoa học cho cả ngành thể thao, không chỉ mỗi điền kinh.