Tổng thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến cho các hoạt động của DN bị tạm dừng hoặc đóng cửa trong 2 năm qua đã lên tới 10 - 11 tháng. Trong khoảng thời gian này, nếu được phép, DN cũng chỉ được hoạt động theo quy định giãn cách: công suất 50%, số lượng người làm việc 50%,…
Trao đổi với PLVN, đại diện một DN thi công dự án điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận - cho biết, trong cả 3 đợt dịch, tiến độ các công trình của công ty đều chậm hơn nhiều so với dự tính - khiến các phương án tài chính của DN gần như bị phá hủy hoàn toàn. Đặc biệt đợt dịch lần thứ tư đã làm cho tất cả các công trường gần như tê liệt, hoạt động không đạt công suất, thậm chí không đạt mức cho phép do những rủi ro mà dịch COVID-19 có thể gây ra.
Thực tế, rủi ro và nguy cơ đối với các dự án điện gió đã tác động không nhỏ đến dự toán thu ngân sách của các địa phương, bởi hầu hết khi tiến hành phát triển dự án, các khoản thu từ những dự án này đều đã được tính tới. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế cũng chỉ là một phần, bởi ở các địa do sâu sát với tình hình; đồng thời hiểu và chia sẻ với DN nên nhiều tỉnh như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Ninh Thuận… đã gửi kiến nghị lên Trung ương đề nghị gia hạn giá FIT2, đối với các dự án tại đây.
Được biết, kiến nghị về nội dung này đã gửi nhiều lần. Nhưng kể cả khi nhận được thông tin chính thức “không gia hạn” từ đại diện Bộ Công Thương, các tỉnh và DN vẫn "kiên trì"… kiến nghị. Nhưng dường như Bộ chủ quản lĩnh vực này vẫn không chia sẻ quan điểm?
|
Dịch bệnh COVID-19 khiến việc vận chuyển, lắp đặt thiết bị phong điện gặp nhiều khó khăn |
Bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo của GIZ (Tổ chức phát triển Cộng hòa Liên bang Đức) - cho rằng, việc không kịp vận hành dự án để hưởng giá FIT đúng thời hạn (31/10/2021) có lỗi một phần của một số DN. Bởi DN đã biết thông tin từ năm 2018 nhưng đã để lãng phí một khoảng thời gian mới quyết định chạy theo FIT2. Nhưng điều đáng nói ở đây là dịch bệnh COVID-19 ập tới quá bất ngờ, khiến cho khoảng thời gian để vận hành, hưởng giá ưu đãi đã ngắn lại càng ngắn hơn với một số chủ đầu tư.
“COVID-19 rõ ràng là nguyên nhân khách quan khiến tiến độ dự án không kịp thời hạn. COVID-19 khiến cho chuyên gia kỹ thuật không thể đến Việt Nam đúng cam kết với các chủ đầu tư - khiến cho nhiều thiết bị phải nằm chờ chuyên gia.Vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng cũng gặp khó khăn. Do vậy, theo tôi nên gia hạn FIT2 cho các dự án mà chủ đầu tư đang thi công nhưng gặp khó khăn do dịch bệnh”, bà Mai nêu ý kiến.
Cùng quan điểm trên, hầu hết UBND các tỉnh đều cho rằng, cần gia hạn cho các dự án điện gió, đặc biệt là các dự án đã giải phóng xong mặt bằng và tiến hành thi công được một số hạng mục công trình. Thời hạn duy trì giá FIT2 đến hết quý I/2022 hoặc ít hơn để các chủ đầu tư có thể cố gắng đến hết năm 2021. Ý kiến này đã gửi đến Thủ tướng, Bộ Công Thương ít nhất 2 lần.
Nhiều DN bày tỏ rằng, các chính sách hỗ trợ DN trước tiên cần phải có tác dụng “đỡ” cho DN phát triển, và trong tình thế vô cùng khó khăn này thì một một quyết sách hợp lý, hợp tình là điều cần hơn bao giờ hết.