Cụ thể, Cảng hàng không Nội Bài thực hiện theo Thông tư số 13/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam. Trong đó phụ lục số 14 quy định giấy tờ về nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay.
Cũng theo Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang làm việc với Cục Hàng không Việt Nam, đề nghị có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện trên toàn mạng về công tác kiểm soát giấy tờ tuỳ thân khi đi máy bay.
Ngày 24 tháng 10, Cục HKVN đã tổ chức cuộc họp về chủ trương ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong việc làm thủ tục đối với hành khách đi tàu bay tại các chuyến bay nội địa.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này sẽ thử nghiệm ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip bằng phương pháp nhận dạng khuôn mặt hành khách trước khi ứng dụng chính thức trên toàn quốc. Dự kiến, việc thử nghiệm tại sân bay Nội Bài kéo dài 6 tháng, từ tháng 4/2023.
Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – Cục C06 Bộ Công an đã giới thiệu công nghệ ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử dưới dạng vân tay và nhận diện khuôn mặt.Các thông tin, dữ liệu được tích hợp trong thẻ CCCD sẽ cắt giảm các thủ tục hành chính, trước mắt là các giấy tờ công dân, qua đó hướng tới mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.
Căn cước công dân gắn chip là loại căn cước được gắn thêm một mã QR nằm ở góc trên mặt trước của thẻ và con chip ở mặt sau thẻ. Hai thành phần này giúp thẻ căn cước công dân có thể tích hợp thêm các thông tin cá nhân như hộ khẩu, bảo hiểm, bằng lái xe, số chứng minh nhân dân cũ...; mã hóa các dữ liệu cá nhân cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đặc điểm nhận dạng.
Trước đó, Bộ Công an cho biết, Nghị định số 59/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ 20/10, trong đó quy định thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Với việc Nghị định 59 chính thức có hiệu lực, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân.
Tài khoản mức độ 2 còn có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Người dân có thể xuất trình thông tin định danh điện tử (qua ứng dụng VNeID) để chứng minh nhân thân, thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các giao dịch dân sự thay căn cước công dân gắn chip như hiện nay.
Tuy nhiên, sau 6 ngày Nghị định số 59 có hiệu lực thi hành, không ít người dân còn gặp nhiều bất tiện trong việc sử dụng tài khoản định danh điện tử. Các ý kiến phản ánh việc đăng ký tài khoản định danh điện tử gặp phải một số vấn đề như hệ thống báo lỗi, liên quan đến mật khẩu...
Ngoài ra, người dân gặp các lỗi như, đã làm định danh điện tử nhưng khi kích hoạt thì phần mềm vẫn báo "chưa định danh"; nhiều người kích hoạt VNEID với tài khoản định danh mức 2 nhưng trong ứng dụng chưa hiển thị các trường thông tin như giấy phép lái xe...
Đặc biệt, có người cho biết, tài khoản định danh điện tử chưa được áp dụng trong quá trình làm thủ tục tại cảng hàng không, nhân viên an ninh tại sân bay vẫn yêu cầu xuất trình căn cước công dân.
Để khắc phục lỗi và các phát sinh trong những ngày đầu thực hiện áp dụng tài khoản định danh điện tử, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết, đơn vị sẽ rà soát quy trình thu nhận, đăng ký tài khoản định danh điện tử. Bên cạnh đó, C06 sẽ nghiên cứu, bổ sung trang thiết bị hạ tầng và công nghệ để phục vụ người dân tốt hơn trong việc đăng ký tài khoản định danh điện tử.
1. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNElD đối với người đã có căn cước công dân gắn chip:
- Bước 1: Sử dụng thiết bị di động cài ứng dụng VNElD.
- Bước 2: Truy cập VNElD, nhập số định danh cá nhân, số điện thoại hoặc thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng; thu nhận ảnh chân dung và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản.
- Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNElD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.
2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2:
+ Đối với công dân đã có căn cước công dân gắn chip
- Bước 1: Công dân đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử; thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ công an.
- Bước 2: Cán bộ chức năng nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, lấy mẫu vân tay của công dân để xác thực với cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo tài khoản định danh.
- Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNElD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.
Trường hợp công dân chưa có thẻ căn cước công dân gắn chip, cơ quan công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ căn cước công dân.