Vì sao khó dẹp bỏ việc mua bán trái phép công cụ hỗ trợ?

Cơ quan chức năng dù đã ra quân quyết liệt, triệt phá nhiều đường dây mua bán công cụ hỗ trợ, nhưng tình hình mua bán loại công này vẫn ngày càng diễn biến phức tạp.

Cơ quan chức năng dù đã ra quân quyết liệt, triệt phá nhiều đường dây mua bán công cụ hỗ trợ, nhưng tình hình mua bán loại công này vẫn ngày càng diễn biến phức tạp.

Công cụ hỗ trợ vẫn được rao bán công khai trên thị trường

Dễ như mua rau!        

Chỉ cần lượn xe đoạn từ Ga Hà Nội đến ngã tư Lê Duẩn – Khâm Thiên, không khó để mua được một bộ “quân phục” theo ý muốn. Dừng trước một cửa hàng, hoành tráng nhất nhì dãy phố, ra điệu thân quen, tôi hỏi bà chủ quán: “còn bộ ngành nào trong nhà”, sau một hồi đánh ánh mắt dò la vị khách và xung quanh, bà chủ lại gần nói: “Cần bao nhiêu, size gì, loại công an phường hay cảnh sát cơ động”. Không đợi khách ra giá, vị này nói luôn: “Quần áo ba trăm một bộ; dây lưng công an trăm rưởi, quân đội trăm tám; giầy xịn của ngành ba trăm một đôi, có đủ kích cỡ..., dùi cui cao su phải đặt tiền mới có, giá 200 ngàn đồng một gậy,”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị làm luôn biển hiệu, thì bà chủ cho lời khuyên lên mấy của hàng quảng cáo trên đường Nguyễn Thái Học sẽ có, giá khoảng 120 – 150 ngàn đồng. Thể hiện sự hiểu biết, bà chủ còn tuyên bố, nếu em muốn chơi như thật thì cứ đặt tiền trước, từ rùi cui điện, súng AK mà mắt thường khó nhận ra là giả... hay bất cứ đồ vật trang bị cho ngành vài ngày sau sẽ có. “Nếu không tin thì lên mạng mà dò, bán đầy”, vị này tự tin nói.

Qua khảo sát của phóng viên, trên thị trường bình sịt hơi cay hiện có giá 350 ngàn đồng, súng bắn điện loại có bề ngoài không khác xa là mấy so với khẩu súng K59 thông thường có giá 2,5 triệu đồng. Còn loại roi điện kiểu dáng bao thuốc lá, điện thoại di động có giá 800 ngàn đồng. Để bầy tỏ thiện chí bán hàng “xịn”, nhiều đầu nậu còn tuyên bố bảo hành các sản phẩm từ 6 – 12 tháng với lời khẳng định chắc nịch về mức độ sát thương... “thượng hạng”.

Khó dẹp bỏ?

Theo Công an TP. HCM, chỉ trong vài tháng năm 2012, PC64 (Công an TP.HCM) đã thu hồi được 29 vũ khí quân dụng, 3 vũ khí dân dụng (súng săn, súng hơi cay), 446 CCHT (109 súng hơi cay, 127 roi điện, 3 bình xịt hơi cay, 1 còng số 8, 207 gậy sắt và gậy cao su), 793 viên đạn các loại và 94 vũ khí thô sơ các loại. Chỉ tính riêng Đội CSHSĐN thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), đã triệt phá nhiều đường dây mua bán hung khí, công cụ hỗ trợ quy mô lớn.

Điển hình, ngày 30/12, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh lập biên bản xử lý 2 đối tượng Đỗ Văn Thành (21 tuổi, quê Nam Định; sinh viên đại học) và Nguyễn Phương Cầm (41 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) về hành vi mua bán công cụ hỗ trợ trái phép. Các đối tượng khai nhận, do có nhu cầu mua roi điện, lên mạng internet và thấy có người tên Thành rao bán với giá 600.000 đồng/cây. Cầm tiền đặt mua 4 roi điện rồi hẹn Thành giao nhận hàng tại đầu hẻm 264, đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10. Trong lúc hai bên đang giao dịch thì bị các trinh sát hình sự đặc nhiệm phát hiện. Sau đó, lực lượng Công an tiếp tục kiểm tra phòng trọ của Thành và thu giữ thêm 14 roi điện các loại, 3 bình xịt hơi cay, gậy sắt…

Còn tại Hà Nội, Công an TP này cũng cho hay, sau 3 tháng cuối năm 2012 triển khai 15 tổ công tác đặc biệt 141 đã thu giữ 23 khẩu súng các loại; gần 300,000 gam ma túy các loại; hàng nghìn dao, kiếm, bình xịt hơi cay, vam phá khóa…

Việc kinh doanh các mặt hàng quân dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nhiều hành vi. Trước hết, theo Nghị định 59/2006 của Chính phủ (Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện), khi các hộ kinh doanh tự ý mua, bán những sản phẩm này, hoàn toàn có thể truy cứu theo Tội kinh doanh trái phép (Điều 159 BLHS) hoặc Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS).

Luật sư Vũ Văn Vinh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Giả thiết, người bán hàng mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng, có thể xem xét họ về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Nếu chỉ là “hàng nhái”, có thể xem xét hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 156 (BLHS). Cũng theo Luật sư Vinh, người nào tàng trữ trái phép vũ khí là hành vi trái pháp luật có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 233 BLHS. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Những đối tượng tàng trữ, buôn bán và sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái phép rất cần được pháp luật xử nghiêm, tạo tính răn đe cho xã hội.

Tuy nhiên, đánh giá của cơ quan chức năng, dù đã ra quân quyết liệt, triệt phá nhiều đường dây mua bán công cụ hỗ trợ tinh vi, nhưng tình hình mua bán công cụ hỗ trợ vẫn còn xảy ra và ngày càng diễn biến phức tạp, nên vẫn phải tiếp tục ra quân mạnh để trấn áp. Chưa hài lòng với thành tích có được, Công an TP Hà Nội cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì lực lượng 141 để nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, phòng ngừa, tấn công, đấu tranh mạnh mẽ với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Phi Hùng

Đọc thêm