Vì sao khó kiểm soát hàng gian lận trên thương mại điện tử

(PLVN) - Nhiều hình thức tinh vi trong các hoạt động giao dịch trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) đang khiến các cơ quan chức năng lo lắng vì chưa có hành lang pháp lý để kiểm soát. Ngoài ra còn có hình thức tinh vi đến mức, vượt qua cả bộ lọc được sử dụng để phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái… 
Gắn trách nhiệm của chủ sàn giao dịch với các sản phẩm bày bán là cách để loại bớt nguy cơ gian lận trên TMĐT

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, TMĐT đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại nó cũng có những nguy cơ lớn trong việc xuất hiện các hành vi gian lận thương mại. “Nếu không quản lý tốt, nó sẽ trở thành một mảnh đất dung dưỡng cho lừa đảo, trục lợi người tiêu dùng, phá hoạt sản xuất, phá hoại thị trường”,  Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cũng cho rằng, nếu không có kiểm soát chặt chẽ thì môi trường TMĐT sẽ là mối nguy đối với tình hình gian lận thương mại tại Việt Nam. Kinh doanh qua mạng xã hội như facebook chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam.

Trong khi đó, kiến thức, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực TMĐT của công chức thực thi còn nhiều hạn chế. Các website và trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại gây khó khăn cho công tác kiểm soát. 

Một khó khăn nữa được ông Linh nêu ra đó là hầu hết các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Chính vì vậy, công tác phát hiện, quản lý và xử lý đối với hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng trở nên khó khăn.

Chưa kể đến việc, hầu hết các hành vi vi phạm do chủ thể bán hàng không thực hiện đúng trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch điện tử. Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý vi phạm.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2018 đến nay, Cục đã thực hiện thanh tra tại 3 đơn vị và kiểm tra 11 đơn vị. Tổng mức xử phạt 500 triệu đồng. Tính đến hết năm 2018, tổng các sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn giao dịch TMĐT là 35.943 đơn vị sản phẩm và hơn 3.000 tài khoản trên các sàn đã bị khoá. 

Ông Hải nhận định, dù kết quả bước đầu khá tốt nhưng phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, khiến cho công tác phòng chống gian lận trên TMĐT ngày càng khó khăn. Cụ thể, ông Hải ví dụ, nhiều đối tượng là người bán trên các sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của các sàn như cố tình thay đổi tên sản phẩm là N.I.K.E thay vì NIKE. Thậm chí, có những đối tượng bán lá cây cần sa nhưng rao bán “Lá cây đu đủ”, “cỏ Mỹ”.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ thiết lập fanpage để chạy quảng cáo. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì. 

Trước thực trạng chưa có cách phòng chống gian lận thương mại hiệu quả trên môi trường TMĐT, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, các đơn vị cần nghiêm túc triển khai, thực hiện các công tác kiểm soát hàng hóa trên TMĐT. Đồng thời để khắc phục những khó khăn trong phòng chống gian lận trên môi trường TMĐT, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các đơn vị phải có kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với nhau.

Đặc biệt, các đơn vị liên quan phải khẩn trương trình các văn bản thay thế cho nghị định về TMĐT đã không còn phù hợp, trong đó chú trọng đến việc gắn trách nhiệm của chủ sàn TMĐT đối với các sản phẩm bán trên sàn để nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT trong việc bảo vệ người tiêu dùng, cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng.

Đọc thêm