Vì sao Luật Giáo dục Đại học không điều chỉnh đào tạo chuyên sâu về y tế?

(PLO) - Ở nước ta hiện nay, đã có nhiều luật chuyên ngành liên quan quy định về đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp đại học trong từng lĩnh vực như: Luật Luật sư quy định về đào tạo nghề luật sư, Luật Kiểm toán quy định về đào tạo nghề kiểm toán, Luật tổ chức toà án, viện kiểm sát quy định về đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên…Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng đề xuất phương án Bộ chuyên ngành công nhận trình độ chuyên sâu của bác sỹ chứ không đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân. 
Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đề xuất phương án Bộ chuyên ngành công nhận trình độ bác sỹ chuyên sâu như các ngành đã làm với luật sư, thẩm phán, kiến trúc sư

Bác sỹ chuyên sâu cũng sẽ được Bộ chuyên ngành công nhận như luật sư, kiến trúc sư?

Ngày mai (15/11), Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự kiến ngày 20/11 sẽ thông qua dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi.

Một trong những nội dung đang còn có ý kiến khác nhau tại dự án Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này là quy định về đào tạo  nhân lực cho ngành Y tế.

Theo quy định tại Điều 6, dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Chính phủ sẽ quy định trình độ tương đương đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù.

Lên tiếng về dự thảo quy định này, một số ý kiến đại biểu ngành Y tế cho rằng dự thảo Luật đã bỏ qua việc đào tạo chuyên sâu, gồm đào tạo bác sỹ chuyên khoa, chuyên khoa sâu, bác sĩ nội trú, chuyên khoa I và chuyên khoa II…đối với cán bộ ngành Y tế.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), cho rằng, tại điều 73 về đào tạo y khoa giao cho Chính phủ quy định thì không biết bao giờ Chính phủ mới tập trung họp để triển khai đánh giá vấn đề còn tồn đọng ở các trường đào tạo y khoa.

Trong khi đó, theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì khi sửa Luật GDĐH, tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế, ở một số Dự thảo trước, Ban soạn thảo đã đưa vào nhiều quy định về việc đào tạo nhân lực cho khối ngành sức khoẻ (bác sĩ, dược sĩ) như Điều 6 (quy định về trình độ đào tạo), Điều 33 (Điều kiện mở ngành), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 38 (Cấp văn bằng chứng chỉ), Điều 45 (liên kết đào tạo)... và giao cho Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề đó. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các Đoàn ĐBQH, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, các trình độ của GDĐH chỉ nên là Cử nhân, ThS, tiến sĩ như hầu hết các nước khác. Nếu quy định trình độ trình độ tương đương giữa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 sẽ là không  minh bạch  và không kiểm soát được chất lượng, trình độ, văn bằng.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết, để văn bản Luật có tính liền mạch, ổn định, thuận lợi trong quá trình hướng dẫn, triển khai và áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam, không để quá nhiều điều cần phải Chính phủ hướng dẫn, Ban soạn thảo đã  tổng hợp các vấn đề cần quy định riêng trong nội dung sửa Điều 73 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo, trình độ tương đương, văn bằng chứng chỉ và các quy định khác phù hợp với các chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu. Ngoài Điều 73 quy định tổng hợp về 8 vấn đề cần quy định riêng cho chương trình định hướng nghề nghiệp chuyên sâu, Dự thảo còn 2 quy định riêng cho lĩnh vực sức khoẻ tại Điều 33 và 45. Về mô hình quản lý, chương trình đào tạo nhân lực y tế tương tự như việc quản lý đào tạo các chương trình định hướng nghề nghiệp chuyên sâu khác (như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư...).

Các ngành và các nước khác quy định như thế nào?

Ở nước ta hiện nay, đã có nhiều luật chuyên ngành liên quan quy định về đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp đại học trong từng lĩnh vực như: Luật Luật sư quy định về đào tạo nghề luật sư, Luật Kiểm toán quy định về đào tạo nghề kiểm toán, Luật tổ chức toà án, viện kiểm sát quy định về đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Giáo dục năm  2009 và Luật GDĐH 2012 đã không quy định trình độ tương đương, không quy định về đào tạo chuyên khoa của y tế vì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giáo dục và Luật GDĐH.

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Luật Hà Nội, đào tạo để cấp văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý, gồm cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Ở hầu hết các nước được tham khảo, đào tạo để cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu, trong đó có đạo tạo nội trú chuyên khoa do bộ chuyên ngành hoặc hiệp hội nghề nghiệp quản lý.

Nghị định 75/2017 của Chính phủ đã quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Y tế: Xây dựng và ban hành các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra đối với đào tạo chuyên khoa đặc thù ngành y tế (không bao gồm các trình độ đào tạo của giáo dục đại học).

Như vậy, hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật đã phân định rõ từng lĩnh vực và pháp luật điều chỉnh với từng lĩnh vực. Luật GDĐH chỉ nên điều chỉnh những vấn đề thuộc GDĐH. Nếu cần đưa vấn đề đào tạo bác sĩ chuyên khoa, nội trú vào văn bản Luật thì đề nghị đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (và tương tự là Luật Dược, đối với đào tạo trình độ dược sĩ chuyên khoa, sau khi tốt nghiệp đại học dược). Lần sửa luật này nên tiếp nối điều đó để đảm bảo tính hệ thống.

Về kinh nghiệm quốc tế, theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật Hà Nội, đào tạo để cấp văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GDĐT quản lý (…cử nhân, ThS, TS). Đào tạo để cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu, trong đó có đào tạo nội chú chuyên khoa, ở hầu hết các nước được tham khảo, đều do bộ chuyên ngành hoặc hiệp hội nghề nghiệp quản lý.

Kết quả nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, việc quy định trình độ đào tạo “tương đương” không chỉ phá vỡ tính hệ thống pháp luật mà bằng cấp của giáo dục đại học còn dễ bị lạm dụng.

Do đó, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đảm bảo tính ổn định, tường minh của hệ thống pháp luật, việc đào tạo để cấp văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân (cử nhân, ThS, TS) sẽ do Bộ GDĐT quản lý. Còn việc Đào tạo để cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu do bộ chuyên ngành hoặc hiệp hội nghề nghiệp quản lý.

Đọc thêm