Thuốc nào cũng bị làm giả
Tháng 2/2005, một thanh niên 23 tuổi người Myanmar tới bệnh viện với triệu chứng sốt, buồn nôn, ớn lạnh và đau đầu nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán anh này bị sốt rét và kê đơn artesunate, một loại thuốc chống sốt rét rẻ tiền mà các bệnh viện Myanmar thường dùng để điều trị căn bệnh này.
Thông thường, các triệu chứng của bệnh nhân sốt rét sẽ giảm sau vài ngày uống thuốc, nhưng thanh niên này lại càng bị nặng hơn. Anh rơi vào hôn mê, có triệu chứng suy thận và mật độ ký sinh trùng sốt rét trong máu tăng lên. Các bác sĩ tiêm liều artesunate mạnh hơn, nhưng đã quá muộn. Ký sinh trùng đã lan lên não và bệnh nhân tử vong.
Các điều tra viên sau đó đã bị sốc khi phát hiện ra rằng loại thuốc artesunate mà các bác sĩ kê cho bệnh nhân này chỉ có 20% hoạt chất cần thiết để tiêu diệt ký sinh trùng. Nói cách khác, loại thuốc này là giả.
Những bi kịch như vậy không chỉ xảy ra ở Myanmar mà đang là hiện tượng ngày càng báo động trên thế giới, không chỉ riêng với thuốc điều trị sốt rét. Năm 2012, một loại thuốc điều trị lao kém chất lượng đã khiến 100 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Lahore, Pakistan thiệt mạng, châm ngòi cho làn sóng phản đối giận dữ của người dân địa phương.
Năm 2013, các quan chức Ấn Độ phát hiện có khoảng 8.000 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Himalaya chết trong 5 năm vì sử dụng một loại kháng sinh không có hoạt chất.
Theo các chuyên gia y tế, bất cứ loại thuốc nào, từ thuốc chống sốt rét cho tới vắc-xin, kháng sinh, thuốc điều trị HIV hay thậm chí là Viagra, đều có thể bị làm giả. Những kẻ sản xuất thuốc giả thường cho rất ít hoạt chất, thậm chí là trộn thêm các phụ gia độc hại vào những viên thuốc để bán cho người bệnh.
"Những kẻ sản xuất thuốc giả này thực chất là bọn giết người, chúng gây ra cái chết cho bệnh nhân", Jim Herrington, giáo sư y khoa tại Trường Y tế Công Gillings thuộc Đại học Bắc Carolina, nói. "Người ta thường truy tố những kẻ làm giả túi Gucci hơn là tội phạm sản xuất thuốc giả".
Interpol cho biết họ đã thu giữ 20,7 triệu viên thuốc giả, kém chất lượng vào năm 2015, tăng hơn nhiều lần so với 2,4 triệu viên năm 2011. Các chuyên gia tin rằng vấn nạn này ngày càng gia tăng và ngày càng có nhiều tổ chức tội phạm dòm ngó lĩnh vực dược phẩm vì lý do đơn giản là rủi ro thấp và lợi nhuận cao.
"Hình phạt cho tội buôn bán thuốc giả so với buôn lậu ma túy hay buôn người là tương đối nhẹ", Paul Newton, giáo sư dược tại Đại học Oxford, cho biết. Các tổ chức tội phạm có thể kiếm được rất nhiều tiền từ hoạt động làm giả những loại thuốc đang khan hiếm hoặc những biệt dược vô cùng đắt đỏ với người bệnh.
"Chúng ta thấy điều này rất thường xuyên, khi nguồn cung khan hiếm, các bệnh viện, phòng khám phải tìm nguồn cung cấp bên ngoài và bọn tội phạm sẽ lợi dụng tình hình nhảy vào", Michael Deats, chuyên gia tại Cục Sản phẩm Y tế và Thuốc Thiết yếu của WHO, nói.
Các chuyên gia phòng chống tội phạm trong lĩnh vực y tế cho biết mỗi năm có từ 100.000 đến một triệu người chết vì sử dụng thuốc giả, nhưng không ai có thể biết chính xác số liệu, vì không bác sĩ nào dám chắc chắn rằng bệnh nhân tử vong là do thuốc giả.
Đó có thể là do chẩn đoán bệnh sai, hoặc thuốc điều trị là thật nhưng được dùng quá muộn. Chính vì lẽ đó, hành vi sản xuất và lưu hành thuốc giả càng khó phát hiện hơn.
Vì sao khó phát hiện?
Ngành công nghiệp dược toàn cầu là những mạng lưới vô cùng phức tạp, đan xen qua nhiều quốc gia. Một viên thuốc có thể đi qua hàng chục nước trong dây chuyền sản xuất, tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm tuồn thuốc giả vào hệ thống phân phối.
Chẳng hạn như hóa chất tổng hợp ở Trung Quốc có thể kết hợp với tá dược ở Ấn Độ rồi được đóng gói ở Mexico trước khi chuyển tới hãng dược ở Canada. Các đường dây sản xuất thuốc giả cũng thường xây dựng những mạng lưới toàn cầu.
Năm 2013, một người đàn ông Puerto Rico bị kết án hai năm tù vì bán hàng trăm nghìn hộp thuốc giả trên mạng. Người này là đầu mối ở Mỹ liên hệ với một đường dây chuyên sản xuất thuốc giả do Bo Jiang, quốc tịch Trung Quốc, cầm đầu. Bo xuất hiện lần cuối ở New Zealand trước khi đào tẩu khỏi lệnh truy nã của nhà chức trách.
Hoạt động ở tầm quốc tế của các đường dây thuốc giả này khiến việc quản lý dược phẩm gặp rất nhiều khó khăn. "Rất ít trong 196 quốc gia trên thế giới có những cơ quan chuyên biệt đối phó với tội phạm trong lĩnh vực dược phẩm", Aline Plancon, trợ lý giám đốc chương trình chống làm giả dược phẩm và tội phạm y tế của Interpol, giải thích. "Nhiều nước không thể thi hành luật pháp trong lĩnh vực này vì không đủ năng lực hoặc ngân sách".
Khi nhập khẩu một loại thuốc nào đó, nhà chức trách nước sở tại thường kiểm tra hồ sơ, giấy tờ để xác minh tính hợp pháp của dược phẩm, cũng như tiến hành kiểm tra tại chỗ bao bì, thành phần và hình dạng của các loại thuốc. Tuy nhiên, tội phạm thường sử dụng giấy tờ giả cho các lô thuốc của mình để qua mặt cơ quan chức năng. WHO ước tính khoảng 30% quốc gia trên thế giới không có cơ quan quản lý dược phẩm có chức năng tương tự như Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA).
Báo cáo năm 2014 của Liên ủy Đánh giá và Giám sát Chống Tham nhũng Độc lập cho thấy ở Afghanistan, các quan chức Bộ Y tế "gạ gẫm tiền hối lộ cho những hoạt động ngoài chức năng quyền hạn của mình mà hiếm khi bị phát hiện". Một quan chức Trung Quốc cũng bị tử hình năm 2007 sau khi nhận tiền hối lộ để thông qua nhiều loại thuốc chưa qua kiểm nghiệm.
Ở Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu 15 tỷ USD dược phẩm mỗi năm, thuốc giả cũng đang là một vấn nạn nghiêm trọng. WHO ước tính cứ 5 viên thuốc sản xuất ở Ấn Độ thì có một viên là giả. Một khảo sát năm 2010 của các hãng dược ở New Delhi cho thấy 12% mẫu thuốc mà họ thu thập không đạt chất lượng.
Trong khi đó, Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương, cơ quan quản lý dược phẩm của nước này, chỉ có 323 nhân viên, bằng 2% so với quy mô của FDA, trong khi họ chỉ có thẩm quyền quản lý các loại thuốc mới. Những thuốc đã lưu hành trên 4 năm thuộc quyền giám sát của Bộ Y tế, nơi có nhiều quan chức tham nhũng hoặc thiếu chuyên môn để quản lý ngành dược phẩm vốn rất phức tạp.
Thuốc giả cũng có thể tìm được đường len vào các quốc gia giàu có và có chế tài nghiêm ngặt như Mỹ và Anh, khi bệnh nhân hay phòng khám đặt mua thuốc qua mạng. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 90% thuốc đặt mua qua mạng có nguồn gốc khác với thông tin đăng trên website, chủ yếu là từ những quốc gia có hệ thống quản lý y tế lỏng lẻo.
Giải pháp nào?
Các chuyên gia cho rằng để chống lại vấn nạn thuốc giả cần sự phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia trên thế giới. Amir Attaran, giáo sư luật và dược tại Đại học Ottawa, Canada đề xuất xây dựng một hiệp định quốc tế, trong đó các nước ký kết nhất trí một bộ luật chung chống lại nạn sản xuất, buôn bán thuốc giả.
"Có hàng loạt hiệp định về hàng không dân dụng mà bất cứ nước nào cũng tham gia nếu muốn máy bay của mình cất cánh. Để nâng cao tiêu chuẩn dược phẩm toàn cầu, chúng ta cần một hệ thống tương tự để trừng phạt những quốc gia không kiểm soát được chất lượng thuốc", Attaran nói.
Từ năm 2011, nhiều nước đã ký công ước Medicrime nhằm hình sự hóa hành vi làm giả dược phẩm. Tuy nhiên đây chỉ mới là văn kiện không chính thức và chưa được nhiều quốc gia mặn mà thực hiện. Theo Attaran, những nước có ngành dược phẩm đem lại đóng góp lớn cho nền kinh tế như Brazil, Ấn Độ chưa thực sự quyết tâm thực hiện các quy định trong công ước.
Ở cấp độ vi mô, nhiều nhà khoa học và công nghệ cũng đang chung sức giúp người dân các nước đang phát triển chống lại vấn nạn thuốc giả. Thiết bị kiểm tra cầm tay CD-3 do FDA phát minh được coi là một giải pháp hiệu quả để giúp các nhà quản lý nhanh chóng phân biệt thuốc thật thuốc giả mà không phải gửi mẫu tới các phòng thí nghiệm và chờ đợi trong thời gian dài.
CD-3 phát ra ánh sáng cực tím và hồng ngoại chiếu lên viên thuốc và bao bì để có thể xác định sản phẩm có phải là chính hãng hay không. Thiết bị này rất dễ sử dụng, với giá chỉ khoảng 1.000 USD và có hiệu quả cao.
Một giải pháp công nghệ thấp cũng đang được áp dụng là tem phủ cào. Người mua thuốc sẽ cào lớp tem phủ trên vỏ thuốc để lấy dòng chữ và số trên đó, gửi tin nhắn đến một đầu số nhất định. Tin nhắn phản hồi sẽ cho họ biết sản phẩm này có phải là thuốc thật hay không.
Hạn chế của giải pháp này, cũng như của thiết bị CD-3, là chúng không giúp tăng cường hệ thống quản lý dược phẩm, cũng không vạch mặt được những kẻ sản xuất thuốc giả. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu các nước trên thế giới không xây dựng được một hệ thống quản lý thuốc hiệu quả, những kẻ làm dược phẩm giả vẫn sẽ còn đất sống và trục lợi trên nước mắt của người bệnh.