Nhận định gây sự chú ý này vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề chính “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” được công bố vào sáng nay (8/5) tại Hà Nội.
Thua cả Campuchia
Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia), kết quả nghiên cứu của VEPR cho thấy, tới 2015, NSLĐ của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên.
Cụ thể, NSLĐ của Việt Nam đứng vị trí thấp nhất trong các nước so sánh, kể cả Campuchia, ở ba ngành quan trọng nhất của nền kinh tế: “Công nghiệp chế biến chế tạo”, “Xây dựng”, “Vận tải, kho bãi, truyền thông”. Trong khi đó, NSLĐ của Việt Nam xếp gần cuối, chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành: “Nông nghiệp,” “Điện, nước, khí đốt”, “Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa”.
Và Việt Nam chỉ có NSLĐ cao hơn một số nước chỉ trong ba nhóm ngành: “Khai mỏ và khai khoáng”, “Tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng”, “Dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân”. “Có thể nói NSLĐ của các ngành của chúng ta không cao hơn được nước ASEAN nào cả. Đặc biệt các ngành có năng suất thực sự “đội sổ” bao gồm “chế biến chế tạo”, “xây dựng” và“logistics” cho thấy điều đáng lo ngại về nền sản xuất nội địa. Trong khi ngành có NSLĐ cao hơn thì lại nằm ở khu vực về bất động sản, khu vực khai khoáng. Điều này cho thấy sự méo mó trong NSLĐ của Việt Nam hiện nay”- PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh.
Ngoài ra, Báo cáo Kinh tế thường niên 2018 còn cho thấy, trong một thập niên gần đây năng suất của Việt Nam chủ yếu được cải thiện nhờ dịch chuyển cơ cấu. Vì thế, thị trường lao động linh hoạt có ý nghĩa quan trọng, nhưng điều này lại chưa được chú ý.
Chuyển dịch ồ ạt
PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng lao động của Việt Nam đang trong tình trạng chuyển dịch ồ ạt. Bà Hương nói bà ra đường thấy rất rõ những người lao động khu vực nông thôn đang dịch chuyển sang khu vực phi nông nghiệp khi chưa chuẩn bị đủ các “giá đỡ”.
Các chính sách đền bù về mất đất, chính sách đào tạo nghề mặc dù nhà nước cố gắng rất nhiều nhưng nhìn sự dịch chuyển của người lao động ấy có thể đưa ra đánh giá rằng họ- những nông dân đang bị buộc dịch chuyển ra khỏi khu vực nông thôn vì kế sinh nhai chứ hoàn toàn họ chưa được bảo đảm bằng một chiến lược chuyển dịch phù hợp, một chính sách an sinh đầy đủ.
Cùng quan điểm vớ bà Hương, lấy ví dụ về ngành may mặc, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu –Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói ông cũng cảm thấy hết sức lo ngại khi chuyển dịch lao động ở Việt Nam đang thiếu một chiến lược rõ ràng.
Ông Khương nói, ngành may mặc “phấn khởi” là lại cho mở rộng nhà máy ra các tỉnh. Thấy ở TP. HCM giá nhân công cao quá lại mở ra ở Đà Nẵng, Đà Nẵng không hiệu quả lại mở ra Thanh Hóa. “Tôi nhìn ông bạn tôi cứ mở rộng nhà máy ra cho đến lúc đóng cửa hoàn toàn thiếu một chiến lược rõ ràng. Đáng lẽ nếu ở TP. HCM giá nhân công cao tôi sẽ dịch chuyển sang nghề thiết kế hay tiếp thị vè sản phẩm may mặc để NSLĐ cao hơn chứ không phải để cho các nhà máy yếu dần rồi chết hẳn đi như vậy. Việt Nam đang có 2,5 triệu công nhân làm trong ngành may mặc, thời đại công nghiệp 4.0 việc dịch chuyển số lượng nhân công này đi đầu là cả một câu chuyện rất lớn.”- chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Singapore âu lo.
Tuy nhiên, nghiên cứu của VEPR cho thấy mức độ đóng góp của hiệu ứng nội ngành ở Việt Nam ở khía cạnh nào đó đang có xu hướng tăng lên và theo TS. Thành thì đây cũng là điều đáng mừng. Theo Viện trưởng VEPR, để cải thiện NSLĐ, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng TFP (tăng năng suất nhân tố tổng hợp –PV) cũng như cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ trong các ngành, đồng thời đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.
“Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về NSLĐ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế. Đồng thời, phát triển thị trường lao động cùng các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy quá trình dịch chuyển lao động theo đúng nhu cầu dịch chuyển cơ cấu”- Viện trưởng Thành khuyến nghị.
Cũng theo vị này, bên cạnh đó, nhóm ngành Công nghiệp (chế biến chế tạo) và Dịch vụ cần được chú trọng nhiều hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh và thay đổi công nghệ, nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung.
Năng suất lao động khu vực nông nghiệp thấp nhất nền kinh tế
NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm. Tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có NSLĐ ở mức cao là các ngành “Khai khoáng, Sản xuất và phân phối điện, khí”, “Hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm”, “Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ”, “Hoạt động kinh doanh bất động sản”, “Cung cấp nước”. Ngành “Công nghiệp chế biến chế tạo” có NSLĐ chưa cao và ngành“Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.