Vì sao ngành giải trí được dự báo khó phục hồi sau dịch?

(PLVN) - Thời điểm này, hầu hết các lĩnh vực trong đời sống đều bị ngưng trệ. Với ngành giải trí, nhiều người trong nghề cho rằng, sau dịch ngành này sẽ khó phục hồi hơn nhiều ngành nghề khác bởi nhiều nguyên nhân.
Cụm Rạp CGV vốn có lượng khách hàng đầu cả nước, trước thời điểm dịch chỉ đạt doanh thu 1/5 so với cùng kì.
Cụm Rạp CGV vốn có lượng khách hàng đầu cả nước, trước thời điểm dịch chỉ đạt doanh thu 1/5 so với cùng kì.

Điện ảnh điêu đứng 

Việc các rạp chiếu phim hoàn toàn ngưng hoạt động, các bộ phim không thể tiếp tục quay hoặc công chiếu đã dẫn đến một hệ lụy là sự “chôn vốn” của hàng loạt doanh nghiệp ngành điện ảnh.  

Các rạp chiếu phim bắt đầu thực hiện quy định đóng cửa hoàn toàn bắt đầu từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, trước đó hàng tháng trời, từ khi thông tin dịch bệnh bùng phát, người ta đã chứng kiến sự vắng lặng, giảm sút lượng khách của các hệ thống rạp. CGV- cụm rạp hiện đại hàng đầu cả nước trước khi đóng cửa thu hút 1 triệu lượt khách, chỉ bằng 1/5 so với cùng kì năm 2019; doanh thu đạt 75 tỉ đồng, cũng xấp xỉ 1/5 so với cùng kì.

Các cụm rạp có vốn nước ngoài hoặc thương hiệu đến từ nước ngoài, mọi thứ vẫn còn có thể chống chọi được. Với các rạp trong nước, chủ doanh nghiệp phải “kêu trời” vì gánh nặng chi phí quá lớn trong khi doanh thu hoàn toàn không có. Galaxy, BHD, những cụm rạp Việt Nam chất lượng cao được tiết lộ chi phí duy trì lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi tháng. Các doanh nghiệp này lo lắng không biết có “gồng” được qua mùa dịch hay không.

Ngoài các cụm rạp thì nhà sản xuất phim cũng đang “than trời” vì dự án bị đóng băng. Hiện tại, các dự án phim đã hoàn tất có “Trạng Tí”, “Chị 13”, “Lật mặt 5”, “Bí mật của gió”, “Thanh Sói”, “Tiệc trăng máu”… Trong đó, “Bí mật của gió” là bộ phim “xui xẻo” vì đã tổ chức ra mắt khán giả, chuẩn bị công chiếu nhưng bị dời lịch ngay sát ngày.

Trong số các phim bị hoãn lịch chiếu do đại dịch, có không ít phim đầu tư kinh phí khủng, vài chục tỉ đồng và từng đặt ra mức kì vọng “hai trăm tỉ” sau khi ra mắt. Nhiều bộ phim thậm chí đã bỏ không ít tiền quảng bá. Bị ngắt quãng đúng mùa dịch, có lẽ số tiền quảng bá đã trở nên “đổ sông, đổ bể”, vì sau này muốn nhắc khán giả nhớ đến phải làm lại từ đầu. 

Đó là còn chưa kể đến, hầu hết nhiều nhà sản xuất phim đều làm theo dạng vốn “gối đầu”, có khi phải cầm nhà, cầm cố tài sản giá trị để làm. Chính vì thế, dời ngày nào là khốn khổ ngày ấy với người làm phim. Nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp điện ảnh đã lên tiếng cho biết mình đang đứng trước bờ vực phá sản. 

Tất nhiên, đó là tình hình chung của toàn bộ ngành điện ảnh toàn thế giới. Khắp các nơi, từ kinh đô điện ảnh Mỹ cho đến các nước châu Âu và đặc biệt Trung Quốc, tình trạng đóng băng của điện ảnh cũng như nguy cơ phá sản của nhiều người kinh doanh trong ngành này đã thấy rõ. Sau dịch, có lẽ ngành điện ảnh thế giới còn sẽ đối mặt với nhiều điều đáng lo lắng hơn, trong đó có chuyện, rạp mở cửa nhưng “khủng hoảng thiếu” phim ra rạp. 

Nghệ sĩ trước nguy cơ bị lãng quên

Các show nhạc thôi không trình diễn, phim ngưng sản xuất, show thời trang hoãn vô thời hạn… sẽ dẫn đến hệ lụy là các nghệ sĩ cũng phải “ngồi không”. Đối với những người làm nghệ thuật, đây không chỉ là thất thu về mặt doanh thu, cát xê, mà thực chất là mối nguy lâu dài.  Thực tế, ngành giải trí là lĩnh vực có sức đào thải rất lớn. Liên tục có sự thay cũ, đổi mới.

Khán giả liên tục cần ở nghệ sĩ những sản phẩm nghệ thuật mới mẻ. Hoặc ít ra, nếu không có sản phẩm mới thì ít ra phải có hình ảnh mới, tên tuổi liên tục được hâm nóng.  Bởi thế, sự ngưng lại phần nào đó, hoặc ít xuất hiện trực tiếp trước công chúng có thể khiến họ bị lãng quên.

Hiện, một số nghệ sĩ “thức thời” vẫn tiếp tục duy trì hình ảnh, tên tuổi của mình bằng nhiều cách thức khác nhau. Đó là những liveshow trực tuyến mini, những MV quay đơn giản. Hoặc, nhiều nghệ sĩ vẫn dành thời gian cố định hàng ngày, hàng tuần để hát, giao lưu với khán giả.

Tuy nhiên, tỉ lệ nghệ sĩ duy trì làm nghệ thuật trong mùa dịch rất ít, còn đa phần, các nghệ sĩ đã “nghỉ đông”, hoặc chuyển những nghề nghiệp khác có thể đem lại doanh thu tức thời, như bán hàng online…

Không có sự chuẩn bị, “ngủ quên” trong thời gian làng nghệ thuật tạm ngưng hoạt động, rất có thể khi mọi thứ khởi động trở lại, nhiều nghệ sĩ nhận ra mình đã “chậm nhịp”, đã lỡ mất những cơ hội vàng, duy trì vị trí trong lòng khán giả. Và trong làng giải trí, vị trí đã mất đi, muốn lấy lại được không phải là chuyện dễ dàng gì. 

NSND Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thị trường biểu diễn online khó có thể thay thế hoàn toàn cho truyền thống

Các chương trình biểu diễn chào mừng 30/4, 1/5... đã được chuẩn bị, dàn dựng từ trước khi thực hiện cách ly toàn xã hội. Không biết liệu những khúc ca khải hoàn này có được diễn ra theo đúng kế hoạch hay không, nhưng các nghệ sĩ luôn luôn sẵn sàng.

Để gỡ khó cho thị trường biểu diễn sau dịch, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã họp với một số đơn vị nghệ thuật để tìm hướng đi phù hợp. Dịch Covid-19 khiến người ta phải nhìn nhận và định nghĩa lại một số giá trị. Đây cũng là cơ hội để xuất hiện những giao dịch nghệ thuật khác.

Cuộc sống chậm lại nhưng lại mở ra nhiều hướng đi mới tác động đến tương lai, đời sống biểu diễn nói riêng và đời sống nghệ thuật nói chung. Thị trường biểu diễn online xuất hiện là tín hiệu mừng nhưng tất nhiên nó không thể thay thế hoàn toàn cho thị trường biểu diễn truyền thống.

Đọc thêm