Vì sao ngành xiếc ngày càng 'khát' diễn viên?

(PLVN) - Những năm gần đây, ngành xiếc ngày càng “khát” diễn viên bởi nhiều nguyên do như: diễn viên rất khó sống bằng nghề; quá trình luyện tập gian nan, thời gian đằng đẵng; phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đặc thù nghề nghiệp...
Xiếc mạo hiểm ngày càng khó tìm diễn viên bởi nhiều khó khăn, nguy hiểm, đãi ngộ lại không cao. (Ảnh Daniele Rotondo).
Xiếc mạo hiểm ngày càng khó tìm diễn viên bởi nhiều khó khăn, nguy hiểm, đãi ngộ lại không cao. (Ảnh Daniele Rotondo).

Ngành xiếc “khát” người trẻ theo học 

Theo PGS.TS Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp NT Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết: “Việc tuyển sinh diễn viên xiếc cũng rất khó khăn mới tìm được những học sinh có năng khiếu. Ví dụ như mùa tuyển sinh năm vừa qua với hơn 6.000 học sinh từ vòng sơ tuyển cho đến chung tuyển và vòng cuối thì chỉ còn có 35 học sinh.

Để tuyển được 35 học sinh này, hội đồng tuyển sinh đã phải di chuyển tới 260 trường học ở miền Bắc. Tuyển học sinh vào xiếc khó đến vậy nên lưu lượng học sinh trong trường chỉ có thể lên tới 150 em”. 

Theo đó, để tuyển được cơ bản đủ số lượng học sinh vào trường, các giáo viên trường xiếc thường phải bỏ ra vài tháng tự mình lặn lội đến tận các vùng nông thôn hẻo lánh, miền núi, vùng sâu, vùng xa của các đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi có điều kiện sống và học tập khó khăn.

Bởi đa số các em đều là con nhà nghèo, muốn ra thành phố học để thoát nghèo, còn được miễn giảm chi phí; nếu được trúng tuyển, khả năng các em đến trường theo học sẽ lớn hơn. 

Tuyển sinh đã khó mà theo được nghề còn khó hơn. Nhiều học sinh có tài năng, đã theo học ở các trường đào tạo nhưng bỏ dở giữa chừng vì quá trình tập luyện gian khổ, đằng đẵng, tương lai lại bấp bênh. 

Khác với các lĩnh vực đào tạo đại trà, thầy cô lên lớp có thể dạy một lúc tới cả trăm học viên; nhưng đối với đào tạo nghệ thuật, quy mô lớp được giữ ở mức càng nhỏ lẻ càng tốt, thậm chí có lớp 2-3 thầy dạy một trò. 

Có thể thấy, công tác tuyển sinh và đào tạo năng khiếu nghệ thuật nói chung và ngành xiếc nói riêng là một quá trình vô cùng khó khăn và tốn kém. Nhưng có lẽ, ít có ngành nào nhiều khó khăn và  trăn trở như ngành xiếc.

Đặc thù của ngành xiếc là diễn viên dù có tài đến mấy mà không qua đào tạo thì không thể tham gia làm nghề. So sánh với các lĩnh vực khác như điện ảnh, sân khấu, văn học, âm nhạc… người nghệ sĩ có năng khiếu mà không qua đào tạo cơ bản vẫn có thể tự học và tạo ra tác phẩm nghệ thuật của mình. 

Riêng ở xiếc, để có một diễn viên xiếc thành thục các kỹ năng, có thể biểu diễn được trước khán giả, phải mất cả chục năm đào tạo, tập luyện. Đào tạo diễn viên xiếc không thể “đi tắt” hay “đốt cháy giai đoạn”.

Cũng không có một đoàn xiếc, một rạp xiếc nào có thể tự đào tạo diễn viên, tự sáng tạo tác phẩm rồi tập luyện, dàn dựng là có thể biểu diễn... Các khâu này phải được thực hiện tại các trường đào tạo, nơi có đủ thời gian, điều kiện cùng đội ngũ thầy cô giàu kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng để hướng dẫn, huấn luyện các diễn viên. 

Thường thường, một học sinh của trường xiếc mỗi ngày học ít nhất với 8 giáo viên, từ việc học các môn cơ bản cho tới văn hóa phổ thông. Ở nước ta, cũng chỉ có vài ngôi trường đào tạo diễn viên xiếc bài bản. Dù vậy, ngành xiếc ngày càng không hấp dẫn được người theo học, dù các em có năng khiếu, có ưu đãi của nhà trường, xã hội.

Một trường đào tạo có tới ba Bộ quản lý

Mới đây, tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Luật Giáo dục nghề nghiệp đang là cơ sở pháp lý rất quan trọng tạo cơ sở ổn định cho phát triển đào tạo nghề nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bất cập đối với đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật. Theo Thứ trưởng, hiện một trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao có tới ba Bộ quản lý. Vì thế, nếu không có cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì khó có thể vực dậy được được lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc. 

Điều đó đã thực sự xảy ra. Xiếc Việt Nam cũng ngày càng mờ nhạt trong lòng công chúng vì thiếu nhiều thứ, thiếu diễn viên, thiếu cơ sở vật chất, thiếu kịch bản sáng tạo, đặc biệt là thiếu những tiết mục kỳ công, hoành tráng, hấp dẫn, tạo hiệu ứng mạnh đối với khán giả như xiếc mạo hiểm. Mà theo nhiều chuyên gia, bản chất của xiếc là mạo hiểm, đòi hỏi diễn viên phải làm được những điều mà người bình thường không làm được, mới khiến khán giả cảm thấy nín thở, hồi hộp khi xem. 

So với trước đây, xiếc mạo hiểm Việt Nam đã bước ra nhiều đấu trường quốc tế như: các tiết mục Ðu siêu nhân đoạt Huy chương Vàng (HCV) Liên hoan Xiếc quốc tế tại Tây Ban Nha năm 2012; Đu quan họ đoạt HCV Liên hoan Xiếc quốc tế tại Italia năm 2014; Ðu lụa đôi Romeo và Juliet đoạt HCV tại Liên hoan Xiếc quốc tế tại Huế năm 2016, Quốc Cơ – Quốc Nghiệp vào chung kết Cuộc thi tài năng Anh (Britain’s Got Talent 2018)… 

Song có thể thấy nhiều năm nay, các tiết mục mạo hiểm gần như vắng bóng trên các sàn diễn xiếc; các diễn viên hiện nay hướng tới những tiết mục an toàn, dễ biểu diễn, thích ứng được trên mọi sàn diễn để dễ kiếm thu nhập, bảo đảm cuộc sống.

Nếu như ở nước ngoài, diễn viên xiếc mạo hiểm được trả cát xê cao gấp nhiều lần so với xiếc thường thì ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, diễn viên biểu diễn tiết mục mạo hiểm chỉ được thêm từ 10.000 đến 30.000 đồng so với tiết mục nhẹ nhàng, không nguy hiểm. 

Thiết nghĩ, ngành xiếc Việt Nam hiện nay quá thiệt thòi so với các ngành khác. Rủi ro nghề cao, dễ xảy ra tai nạn, thậm chí đe dọa đến tính mạng nhưng thu nhập lại quá thấp.

Không chỉ thiếu thốn những chính sách định hướng, ưu đãi, cơ chế đặc thù cho diễn viên xiếc trong luyện tập và biểu diễn; ngành xiếc còn rất cần có các quy định cụ thể về quy trình đào tạo, chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, về đội ngũ giảng viên, giáo viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, học sinh, sinh viên…