Chưa đủ căn cứ bảo hộ gạo ST25, “Gạo ông Cua”
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, gia đình ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống lúa ST24, ST25 đã có đơn gửi đến Tổng cục đề nghị lực lượng này hỗ trợ bảo vệ thương hiệu giống lúa và gạo ST24, ST25 tại thị trường Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của gia đình ông Cua, Tổng cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, thẩm tra, xác minh các nội dung doanh nghiệp (DN) phản ánh tại hồ sơ đối với các cơ sở bị cho là vi phạm trên địa bàn quản lý của Cục QLTT các tỉnh, thành phố.
Tổng cục đặc biệt lưu ý, đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, bao bì, tem, nhãn hàng hóa, đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, đối với hành vi xâm phạm quyền về giống cây trồng (giống lúa, gạo) thuộc phạm vi quản lý của Bộ/Sở NN&PTNT, Tổng cục cũng yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ/Sở NN&PTNT (khi có đề nghị) để kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục QLTT, do chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên gia đình ông Cua cũng chưa có hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy định. Việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu “Gạo ông Cua”, “Gạo ST” chưa có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cũng như hồ sơ tự công bố dẫn đến tình trạng chưa đủ căn cứ để lực lượng QLTT xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu này.
Tổng cục QLTT đã trao đổi, hướng dẫn đại diện gia đình ông Cua tiến hành hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ cho 2 nhãn hiệu nói trên, cũng như hoàn thiện thủ tục về chất lượng sản phẩm nhằm góp phần phòng chống việc làm giả, làm nhái nhãn hiệu gạo nổi tiếng này.
Qua đây, Tổng cục QLTT khuyến cáo, DN cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, chủ động xây dựng các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, thương vụ, Cục SHTT, các bộ, ngành liên quan để được hỗ trợ thủ tục cần thiết trước, trong và sau quá trình dự thi, tham gia kinh doanh tại thị trường quốc tế nhằm bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài.
Cục Sở hữu trí tuệ nói gì?
Vụ việc có nhiều DN ở Hoa Kỳ, Úc đăng ký sở hữu nhãn hiệu gạo ST25 đã xảy ra cách đây vài tháng. Ngay sau đó ông Cua đã có các biện pháp bảo hộ sản phẩm của mình ở các thị trường này. Đến thời điểm này, DN Hồ Quang Trí (con trai ông Cua) mới chính thức đề nghị can thiệp bảo hộ cho sản phẩm của mình tại thị trường Việt Nam.
Theo gia đình ông Hồ Quang Cua, bao bì của một số sản phẩm gạo ST25 do các DN khác sản xuất đang lưu hành trên thị trường có sử dụng dòng chữ mang ý nghĩa “The World’s Best Rice” (Gạo ngon nhất thế giới) mà Tổ chức lúa gạo toàn cầu (TRT) đã cấp cho sản phẩm gạo của gia đình ông. Đây cũng là cụm từ gia đình ông đã đăng ký độc quyền tại Mỹ.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, theo quy định của Việt Nam, cụm từ này không thể được bảo hộ độc quyền trong nước dẫn đến khó khăn cho lực lượng QLTT trong việc xử lý các đối tượng mà gia đình ông Cua cho là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm của gia đình ông.
Trả lời PLVN về việc tại sao không thể bảo hộ danh xưng “Gạo ngon nhất thế giới” khi TRT đã chứng nhận độc quyền cho gạo ST25 của ông Cua, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, theo Điều 47 Luật SHTT, những cụm từ mang tính mô tả tính chất, chất lượng của sản phẩm sẽ không thể được đăng ký nhãn hiệu. Quy định này không chỉ có ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Được biết, hiện nay, DN Hồ Quang Trí mới có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo cho các sản phẩm mang nhãn hiệu “SR SOC RICE”. Hai nhãn hiệu khác mang nhãn hiệu “Gạo ông Cua”, “Gạo ST” đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục SHTT và đang trong quá trình chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Từ trường hợp này, Tổng cục QLTT khuyến nghị, DN cần chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) và hoàn thiện hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm của chính mình nhằm tránh những tranh chấp rất phổ biến hiện nay. Đây cũng là cách để bảo vệ thành quả, sức lao động và chất xám, bảo vệ thành tựu của DN nói riêng và quốc gia nói chung.