Vì sao phát triển năng lượng tái tạo gặp khó?

(PLVN) -  Trong cả 3 kịch bản phụ tải của Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được trình Chính phủ đều không phát triển điện mặt trời cho tới năm 2030. Lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra là “chờ” sau năm 2030 điều kiện truyền tải, lưới điện đầu tư đã tốt hơn thì mới có điều kiện để phát triển thêm điện mặt trời.
Nhiều nhà đầu tư điện mặt trời gặp khó vì thiếu cơ chế, chính sách.

Nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời, điện gió

Tại Tọa đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo (NLTT)" vừa diễn ra tại Hà Nội, 2 trong số 4 vấn đề của Dự thảo Quy hoạch điện VIII được đề cập nhiều nhất là điện mặt trời (ĐMT) và truyền tải điện.

Đề cập đến việc cả 3 kịch bản phụ tải của Dự thảo đều không phát triển ĐMT cho tới năm 2030 và tỷ lệ công suất các nguồn NLTT đến năm 2030 chỉ đạt 18%, TS.Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư băn khoăn: “Lộ trình như vậy đã hợp lý chưa và liệu có làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây lãng phí nguồn lực xã hội và nguồn tài nguyên đang được đánh giá là rất lớn của nước ta?”.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) - ông Nguyễn Văn Vy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn trong phát triển ĐMT, điện gió. Riêng với ĐMT, tổng tiềm năng kỹ thuật ĐMT của Việt Nam khoảng 434 nghìn MW (trong đó: ĐMT quy mô lớn mặt đất khoảng 309 nghìn MW; trên mặt nước khoảng 77 nghìn MW; trên mái nhà khoảng 48 nghìn MW).

Nhờ chính sách khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ĐMT đã có các bước phát triển vượt bậc. Đến nay tổng công suất nguồn ĐMT của Việt Nam là 16.545 MW (trong đó có 8.904 MW công suất ĐMT tập trung và 7.641 MW ĐMT mái nhà).

Chỉ ra những bất cập trong phát triển các dự án ĐMT, đại diện VEA cho rằng Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam quy định một số dự án ĐMT nối lưới và các dự án ĐMT mái nhà đáp ứng các điều kiện được áp dụng biểu giá hỗ trợ (giá FIT) khi đưa vào vận hành thương mại đến ngày 31/12/2020. Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án ĐMT để áp dụng từ năm 2021. Thế nhưng, từ đầu năm 2021, các dự án ĐMT không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành.

Mặt khác, quy định hệ thống ĐMT mái nhà có công suất không quá 1MW, áp dụng chung cho các hộ gia đình và các DN là chưa hợp lý. “Điều này dẫn đến nhiều cơ quan, DN có diện tích mái của công trình xây dựng lớn, có thể xây dựng ĐMT với công suất lớn hơn để cấp điện cho cầu của mình cũng không được xây dựng, gây nên lãng phí tài nguyên và nguồn lực…” - Phó Chủ tịch VEA khẳng định.

Nhà đầu tư với “cú phanh gấp”

Ông Nguyễn Đức Cường, Chuyên gia cao cấp về năng lượng, Công ty CP Tập đoàn Năng lượng T&T cho rằng, mặc dù ĐMT, điện gió ở Việt Nam đã được đầu tư và phát triển mạnh mẽ trong thời gian 3 - 4 qua nhưng phần nào đã bị chững lại ngay sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (đối với ĐMT) và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg (đối với điện gió) hết hiệu lực thi hành.

“Suốt thời gian gần 2 năm qua với ĐMT và hơn 1 năm với điện gió được coi là khoảng trống - khoảng dừng đột ngột về việc ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đối với hai nguồn điện tái tạo có tiềm năng lớn nhất là ĐMT và điện gió. Điều này đã và đang gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho các nhà đầu tư đã dành nhiều nguồn lực cho mua sắm, xây dựng và lắp đặt mà vẫn không kịp hưởng giá FIT cũng như nhiều nhà đầu tư khác đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu (bổ sung dự án vào quy hoạch điện, mặt bằng đất đai…) và chuẩn bị xúc tiến đầu tư các dự án mới…” - Đại diện DN này lên tiếng.

“Từ góc độ nhà đầu tư, tôi thấy đang có vòng quay lặp lại về chính sách. Khoảng 10 năm qua từ BOT sang ĐMT, rồi điện gió, chúng ta chứng kiến các đợt sóng về đầu tư và các cú phanh đột ngột, thị trường rơi vào tình trạng xáo trộn, mất ổn định…” - ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng Giám đốc Công ty Hạ tầng Gelex thẳng thắn.

Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch HĐQT HBRE nhớ lại, các dự án điện gió trước năm 2020 nộp hồ sơ xin bổ sung quy hoạch, trước khi nộp hồ sơ xin bổ sung quy hoạch điều kiện tối thiểu là 12 tháng đo gió. Sau 2020, cơ chế thay đổi, lúc này kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài không vào, bán đi cũng không xong. Số lượng dự án xây dựng đang/đã xây dựng trên tổng quy hoạch chỉ đạt 50 - 60%. “Như vậy, rất lãng phí và mất cơ hội của nhà đầu tư khác” - đại diện HBRE phát biểu.

“Điểm nghẽn” truyền tải điện

Lý giải về việc đến năm 2030 không phát triển thêm ĐMT, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) cho hay, Dự thảo Quy hoạch điện VIII bản mới nhất sẽ bổ sung 726MW ĐMT tập trung, trong đó hơn 400MW đã xong, 300MW đang làm dở; còn hơn 1.600MW đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư có thể được đẩy ra sau năm 2030.

“Quy hoạch VII điều chỉnh cho thấy, các dự án ĐMT tập trung (có thể bị đẩy lùi ra sau năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII) có vị trí phụ tải thấp nên để phát triển tiếp phải đầu tư lớn lưới điện, trong khi ổn định hệ thống thống đã đạt giới hạn. Còn sau năm 2030 điều kiện truyền tải, lưới điện đầu tư đã tốt hơn nên có điều kiện để phát triển thêm ĐMT mà không cần đầu tư quá lớn…” - ông Hùng lý giải.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, truyền tải điện đang là “điểm nghẽn” lớn. Ông cho rằng trong bối cảnh nguồn lực của EVN có hạn, cần có chính sách, cơ chế để xã hội hóa đầu tư, khuyến khích tư nhân đầu tư vào truyền tải điện. Đề cập đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, trong đó đã cho phép tư nhân tham gia đầu tư truyền tải, TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đến nay chưa có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này, nhất là về giá truyền tải, quản lý chi phí đầu tư, quản lý Nhà nước trong kiểm soát, đảm bảo an ninh lưới truyền tải khi cho tư nhân đầu tư.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) đề nghị, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cần kiến nghị để cho nhà đầu tư tư nhân đầu tư truyền tải điện, kể cả đường dây quốc gia, trừ vùng an ninh quốc phòng. Trước tiên có thể triển khai truyền tải tại từng địa phương, dựa vào đấy triển khai rộng rãi tại 5, 7 địa phương.

Chủ tịch VAFIE cũng cho rằng, sau khi có Quy hoạch điện VIII sẽ có vấn đề cần phải tiếp tục tính toán, tháo gỡ. Riêng với Bộ Công Thương cần quan tâm đến vấn đề thị trường hoá điện năng. “Kế hoạch 5 năm 2015 - 2020 đã nói về cơ chế thị trường nhưng nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn độc quyền. Về dài hạn, các Bộ cần tham mưu về cơ chế chính sách” - Chủ tịch VAFIE đề nghị.

Cuối tháng 11 sẽ ban hành khung giá cho điện gió, ĐMT chuyển tiếp

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT, Bộ Công Thương cho biết, dự kiến từ ngày 25 - 30/11/2022, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong và ban hành khung giá cho các dự án ĐMT, điện gió chuyển tiếp. Khung giá được ban hành trên cơ sở Thông tư 15/2022/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy ĐMT, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá này, EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Hiện có khoảng 4.000MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và ĐMT.

Đọc thêm