Vì sao phương án dự trữ dầu của PVN ít khả thi?

(PLVN) - Giá dầu thế giới đang giảm sâu dưới 20 USD/thùng, có thời điểm trên thị trường Mỹ giá dầu WTI giá xuống mức -37,63 USD/thùng. Để tránh những thiệt hại trước mắt, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tính tới phương án tích trữ dầu. Nhưng về lâu dài, phương án này được đánh giá là không khả thi.
Ở Việt Nam chủ yếu tích trữ dầu trong téc, bồn thuộc hai Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn, khối lượng không đáng kể

Nan giải kho chứa 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, các nhà máy, xí nghiệp ít hoạt động, người dân cũng ít ra đường khiến lượng tiêu thụ xăng dầu toàn thế giới sụt giảm. Từ đó, khiến lượng dầu thô tồn kho lớn, kéo giá dầu thế giới giảm sâu chưa từng thấy. Trước đó, cuộc chiến về sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga và Ả Rập Xê Út cũng đã khiến giá dầu thế giới đi xuống.

Dưới tác động kép đó, giá dầu thế giới chao đảo, từng có lúc dầu WTI ở thị trường Mỹ xuống mức âm. Dù hiện nay giá dầu có tăng lên đôi chút, nhưng vẫn ở mức dưới mức 17 USD/thùng.

Một trong những phương án từng được PVN đưa ra bàn bạc là sẽ dự trữ xăng dầu, đợi giá lên cao sẽ bán. Tuy nhiên, phương án này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn với lượng xăng dầu ít, còn về dài hạn là khó khả thi với PVN.

Đơn vị này phân tích, tích trữ xăng dầu không như những hàng hoá khác, không đơn thuần cứ thấy giá rẻ thì trữ lại hoặc nhập thêm về dự trữ đợi khi thị trường phục hồi thì đem ra sử dụng hoặc bán lại để thu lợi nhuận.

Bởi để đầu tư kho chứa xăng dầu không phải là chuyện một sớm một chiều. Các kho chứa phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, công suất các kho chứa cũng có giới hạn phù hợp với nhu cầu xăng dầu trong nước trong điều kiện tiêu thụ bình thường, để đảm bảo hiệu quả kinh tế. 

Đó là lý do mà các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới đã phải hạ giá thấp, thậm chí chấp nhận bán mức “giá âm” để đẩy hàng, giảm tồn kho xăng dầu vì chi phí thuê kho dự trữ, hay ngừng khai thác, đóng cửa/mở lại một giếng khoan dầu không dễ dàng và sẽ thiệt hại hơn nhiều lần việc bán dầu giá rẻ. Tất cả những điều đó, họ đã tính tới để làm sao có được kết quả kinh doanh tốt nhất.

“Biến động thị trường rất khó lường, việc dự trữ cần tính toán cẩn trọng về hiệu quả kinh tế và đặc biệt phải tính đến khả năng tồn chứa của các kho dự trữ đến đâu”, đại diện PVN nói.

Thiếu vỉa cất dưới lòng đất

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Trưởng ban Khai thác dầu khí PVN, trên thế giới, để tích trữ lượng dầu thô lớn, họ tìm được những vỉa ở dưới lòng đất có thể chứa được hàng triệu, thậm chí hàng tỷ m2 dầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam không tích trữ ở những vỉa dưới lòng đất mà chủ yếu tích trữ ở những téc, bồn thuộc hai Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn, khối lượng không đáng là bao.

Theo PVN, một nghịch lí trong thời gian qua là dù dịch Covid-19 nhưng việc nhập khẩu xăng dầu của nước ta thời gian qua lại tăng, tạo thêm sức ép cho tiêu thụ xăng dầu trong nước, đẩy các nhà máy lọc dầu trong nước vào tình trạng khó khăn hơn khi đối mặt với khủng hoảng kép.

Hiện PVN sở hữu hai nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Bình Sơn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, chỉ Nhà máy Bình Sơn là sử dụng nguyên liệu dầu của PVN để sản xuất xăng dầu, còn Nhà máy Nghi Sơn thì nhập dầu từ một số nước Trung Đông. Do vậy, phương án thôi nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, ưu tiên sử dụng xăng dầu sản xuất trong nước của PVN cũng chỉ là biện pháp tạm thời.

Theo PVN, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, từng tính đến tạm dừng vận hành nhà máy một thời gian để giảm hàng tồn, giảm chi phí vận hành. Nhưng sau đó, xét rằng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành với khoảng 60% dầu thô trong nước và trong quý I, BSR nộp ngân sách nhà nước hơn 1.732 tỷ đồng.

Vì một lý do nào đó mà nhà máy phải dừng hoạt động thì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn cho các mỏ dầu Việt Nam. Chưa kể, việc duy trì khai thác dầu thô còn là vấn đề khẳng định chủ quyền an ninh biển đảo. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

“Thử nghĩ, nếu ta chỉ đi nhập khẩu mà không tự chủ được nhu cầu năng lượng, khi thị trường thế giới biến động hoặc vì một lý do nào đó mà các quốc gia xuất khẩu tạo sức ép nguồn cung, tăng giá đột biến thì nguy cơ chúng ta phải mua xăng dầu giá cao gấp nhiều lần là hoàn toàn có thể”, đại diện PVN cho biết.

Đọc thêm