Thông cáo cho biết đội điều tra gồm 11 thành viên trong đó nhiều người có kinh nghiệm điều tra các quan chức tham nhũng trong chính phủ của cựu Tổng thống Ricardo Martinelli.
Cáo buộc
Trước đó, Chính phủ Panama cũng thông báo sẽ hủy hợp đồng trị giá 1 tỷ USD ký với Tập đoàn Odebrecht để xây dựng nhà máy thủy điện Chan II bên bờ biển Đại Tây Dương của nước này. Ngoài ra, Odebrecht bị chấm dứt quá trình đấu thầu sơ tuyển cho việc thiết kế và xây dựng cây cầu thứ tư qua kênh đào Panama và tuyến tàu điện ngầm số 3.
Tập đoàn xây dựng Odebrecht cũng bị cấm tham gia đấu thầu các dự án công tại Panama trong tương lai cho tới khi hợp tác hiệu quả và hữu hiệu trong điều tra liên quan tới bê bối đưa hối lộ hơn 59 triệu USD cho các quan chức Panama trong giai đoạn 2010-2014 để nhận được các hợp đồng công. Quyết định trên được đưa ra sau khi các công tố viên Panama đã đến Mỹ để tìm kiếm thông tin về các vụ hối lộ mà Odebrecht bị cáo buộc đã thực hiện.
Trước đó, cơ quan tư pháp Mỹ cho biết từ năm 2001, Odebrecht đã “đi đêm” 788 triệu USD cho hàng trăm quan chức và chính trị gia của nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu để giành được các dự án. Riêng tại Panama, công ty xây dựng này cũng đã hối lộ hơn 59 triệu USD cho các quan chức trong giai đoạn 2010 - 2014.
Bản thân Odebrecht thừa nhận đã đưa hối lộ tại 12 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh trong suốt 10 năm để giành hợp đồng trong quá trình đấu thầu, đồng thời chấp nhận trả khoản tiền phạt khổng lồ 3,5 tỷ USD vì những hành vi đưa hối lộ tại Mỹ, Thụy Sĩ và Brazil.
Tâm điểm bê bối
Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil, gây chấn động chính trường nước Nam Mỹ từ tháng 3/2014. Hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu nước này. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras.
Giới truyền thông dẫn thông cáo công bố hôm 21/12/2016 của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Odebrecht đã điều hành một mạng lưới đưa hối lộ khổng lồ, có một không hai trong suốt một thập kỷ để giành hợp đồng trong quá trình đấu thầu các dự án. Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ, Odebrecht đã hối lộ hàng trăm triệu USD để giành hợp đồng từ 9 đối thủ đến từ các nước Mỹ Latinh và tập đoàn này đã chi hơn 59 triệu USD cho các quan chức Panama trong giai đoạn 2010-2014 để nhận hợp đồng trị giá 175 triệu USD. Theo giới truyền thông, Odebrecht đã hối lộ cho các quan chức chính phủ tại Mỹ, Thụy Sĩ và Brazil. Bộ Tư pháp Mỹ coi đây là vụ tham nhũng lớn nhất mà cơ quan tư pháp nước này từng thụ lý có liên quan tới một tập đoàn nước ngoài. Và theo phán quyết mới được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra, Odebrecht bị phạt tới 2,6 tỷ USD. Ban đầu số tiền phạt dành cho Odebrecht lên tới 4,5 tỷ USD, nhưng tập đoàn này đã thương đàm để xuống còn 2,6 tỷ USD. Thụy Sĩ và Mỹ sẽ nhận 20% tổng số tiền phạt kể trên, 80% còn lại thuộc về Brazil.
Theo giới truyền thông, Odebrecht đã phải bán một phần tài sản trị giá 3,2 tỷ USD (để trả một phần trong khoản nợ 25 tỷ USD tập đoàn này) nhằm vượt qua vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras. Điều đáng nói là bê bối tại Odebrecht có quan hệ mật thiết với Petrobras.
Gần 1 năm trước, ngày 28/3, Thẩm phán liên bang Brazil Sérgio Moro đã nộp lên Tòa án Tối cao nước này tất cả các tài liệu thu được tại trụ sở chính của Tập đoàn Cơ khí và xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odebrecht SA, trong đó bao gồm một danh sách hơn 200 chính trị gia bị nghi liên quan đến tham nhũng.
Trong một thông báo, Thẩm phán Moro cho biết những tài liệu trên cho thấy Tập đoàn Odebrecht SA đã hối lộ các cá nhân sở hữu đặc quyền được miễn truy cứu, đồng nghĩa chỉ Tòa án Tối cao mới có quyền điều tra những đối tượng này. Theo ông Moro, Odebrecht SA đã hối lộ cho hơn 200 chính trị gia thuộc 24 đảng khác nhau, trong đó có cả đảng Lao động (PT) cầm quyền và các đảng đối lập, để thắng thầu trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm sân vận động Arena ở thành phố Sao Paolo, một sân bay ở bang Goiania và một kênh đào ở miền Nam Brazil. Ngoài ra, tập đoàn này cũng sở hữu một bộ phận riêng biệt chuyên phụ trách thực hiện các khoản hối lộ bất hợp pháp.
Trước đó, ngày 22/3, Cảnh sát liên bang Brazil đã bắt thêm ít nhất 14 lãnh đạo của Odebrecht SA để phục vụ điều tra liên quan đến vụ tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Cơ quan chức năng đã tìm thấy bằng chứng về việc Odebrecht SA sử dụng cái gọi là phân chia cấu trúc để phối hợp thanh toán các khoản hối lộ một cách hệ thống. Giới truyền thông cho biết, tuyên bố của cựu Chủ tịch Odebrecht, ông Marcelo Odebrecht, người đang chịu án tù 19 năm vì tội tham nhũng đang khiến dư luận quan tâm khi quyết định tiết lộ chi tiết về các khoản hối lộ của tập đoàn này. Việc này diễn ra cùng thời điểm cảnh sát công bố tài liệu thu được sau khi khám xét trụ sở chính của Odebrecht, trong đó có danh sách gồm 200 chính trị gia thuộc 18 đảng ở Brazil...