Vì sao tàu biển, hỏa xa không thể "giải cứu ngay và luôn" nông sản xuất khẩu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường bộ đang gặp rất nhiều khó khăn tại các cửa khẩu phía Bắc. Do vậy, giải pháp trước mắt và lâu dài là tận dụng linh hoạt các phương thức vận tải, và dần dần chuyển sang đi bằng đường biển, đường sắt.
Tàu hàng tuyến Hải Phòng (Việt Nam) - Khai Viễn (Trung Quốc)
Tàu hàng tuyến Hải Phòng (Việt Nam) - Khai Viễn (Trung Quốc)

Đường biển chưa thể đóng vai trò chủ lực

Tại cuộc họp với Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các Hiệp hội doanh nghiệp (DN) vận tải về xuất khẩu (XK) nông sản qua vận tải đường biển mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, mặc dù một số cửa khẩu đã mở nhưng xuất khẩu (XK) qua cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn đang rất khó khăn nên đã chủ trì cuộc họp này nhằm tìm cách tháo gỡ, hình thành cơ chế, đa dạng hóa phương thức vận chuyển. “Trong đó, tính tới khả năng vận chuyển nông sản bằng đường biển, không chỉ XK sang Trung Quốc mà cả các nước khác”, ông Nam chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, việc XK nông sản bằng đường bộ gặp khó khăn, nghiên cứu các loại hình vận tải khác để XK là cần thiết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Sang cho rằng, dòng hàng nông sản, trong đó có thanh long đi bằng đường sắt, đường biển có nhiều điểm khác nhau so với đường bộ.

Lãnh đạo Bộ GTVT phân tích, hiện nay hàng nông sản đi đường bộ chiếm 70%, đường biển chỉ 30%. Thông quan ở các cửa khẩu đường bộ thường dễ hơn so với các thủ tục đường biển, chi phí cũng rẻ hơn, do đó chủ hàng có lợi hơn. Chưa kể, việc đi đường bộ, các DN đã quen lối, quen mối.

Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, hiện nay cơ sở hạ tầng cảng biển cơ bản đáp ứng được yêu cầu xuất hàng đi nước ngoài, nhưng với phương thức vận tải hàng hóa bằng đường biển yêu cầu chỉn chu hơn, nên phải có thời gian để hình thành các tuyến. Thực tế thời gian qua, các cảng biển, hãng tàu đã nỗ lực gánh đỡ một phần cho hàng ùn tắc biên giới đường bộ nhưng không thể gánh hết được do năng lực, thói quen của các DN.

Do đó, theo Thứ trưởng Sang, trước mắt, cần thực hiện song song XK cả đường bộ lẫn đường biển. Ông cũng cho rằng, không thể một lúc có thể thực hiện XK nông sản bằng đường biển với khối lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu DN, mà cần xây dựng chiến lược lâu dài để tương lai tăng thị phần vận tải biển XK nông sản.

“Các hãng tàu, các cảng đều sẵn sàng, nhưng cần có sự làm việc một cách cụ thể giữa DN và hãng tàu”, ông Sang nói.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Xuân Sang khẳng định, đường biển không thể ngay một lúc đáp ứng nhu cầu vận tải nông sản cho doanh nghiệp

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Xuân Sang khẳng định, đường biển không thể ngay một lúc đáp ứng nhu cầu vận tải nông sản cho doanh nghiệp

Đường sắt chỉ nhận hàng chính ngạch

Trong khi tại các khu vực cửa khẩu đường bộ biên giới Lạng Sơn đang có hàng nghìn xe nông sản ùn ứ không thể xuất sang Trung Quốc thì tại ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng cũng ở gần khu vực biên giới Trung Quốc, việc XK diễn ra sôi động, hàng hoá xếp kín toa xe với nhiều mặt hàng khác nhau.

Theo ông Phạm Đức Khái - Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, việc XK qua ga này vẫn diễn ra thuận lợi, thông suốt, không xảy ra ùn ứ hay cản trở từ nước bạn. Giải thích điều này, ông Khái cho biết là do việc XK bằng đường sắt qua ga Đồng Đăng đều là XK chính ngạch, hàng hoá có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các quy định từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, hàng hoá nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu đường bộ, khoảng 90% là hàng tiểu ngạch, do đó gặp khó trong khâu XK chính ngạch.

Ngoài ra theo ông Khái, Trung Quốc đang thực hiện rất nghiêm các biện pháp chống dịch, trong đó có việc siết chặt nhập khẩu hàng trái cây tươi đi bằng container lạnh có xuất xứ từ Việt Nam. Bởi trong môi trường lạnh, virus sống lâu hơn và dễ bám tại bao bì cũng như bám tại sản phẩm nông sản. Do đó theo ông Khái, dù hàng nông sản có xuất chính ngạch thì đường sắt cũng khó nhận vận chuyển mặt hàng này.

Ông Khái cho biết, hồi tháng 5/2021, ga đường sắt Đồng Đăng từng xuất hàng trăm container lạnh nông sản qua Trung Quốc, chủ yếu là trái cây. Đây là hàng chính ngạch, đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa, mẫu mã, bao bì. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc không nhận hàng hoá này qua đường sắt nữa. Nhưng với các mặt hàng nông sản khô của Việt Nam như sắn lát, ớt khô... không cần vận chuyển bằng container lạnh và là XK chính ngạch hoàn toàn có thể đi bằng đường sắt.

Cần hình thành tuyến cố định

Theo đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, để “giải cứu” các DN vận tải có thể điều tàu, thậm chí vận chuyển miễn phí nhưng lâu dài cần hình thành chuyến vận chuyển cố định để DN chủ động có kế hoạch bố trí phương tiện, nhân lực...

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, trước mắt cần sớm hình thành những đầu mối thu gom hàng nông sản, bởi khối lượng vận chuyển của một tàu là rất lớn. “Đây là cơ sở để thích ứng với phương thức vận chuyển mới, bước đầu để ra tuyến hàng hải ổn định”, ông Minh khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, thời gian qua, các hãng tàu đã không thể gánh đỡ hết khối lượng hàng XK quá lớn từ đường bộ chuyển sang. Năng lực vận tải của đường biển không thể nào tăng công suất đột ngột. “Vấn đề Covid-19 thì mới đây nhưng chuyện nông sản ùn ứ thì diễn ra từ lâu rồi. Do vậy, các giải pháp trước mắt và lâu dài là tận dụng linh hoạt tất cả các phương thức vận tải. Trong đó, sớm tăng thị phần cho vận tải đường biển”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trước mắt, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các DN, hiệp hội ngành hàng tập hợp nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển bằng đường biển. Ưu tiên tìm giải pháp để vận chuyển thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất... Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt vấn đề: Việt Nam là nước XK nông sản lớn, Việt Nam có Hiệp hội logistics nhưng chưa có 1 Hiệp hội hay 1 chi hội riêng về logistics cho nông sản. “Vấn đề này cần được xem xét thêm thay vì phải thành lập thêm một tổ công tác liên ngành”, ông Nam đề xuất.

Không có chuyện xuất hàng tiểu ngạch dễ hơn chính ngạch

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện một số địa phương và DN đang hiểu sai về thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Theo đó, nhiều người cho rằng, do hàng hóa không đảm bảo chất lượng mới XK tiểu ngạch. Thứ trưởng khẳng định đây là quan điểm không đúng. “Chính ngạch hay tiểu ngạch chỉ là hình thức vận chuyển. Tất cả hàng hóa qua Trung Quốc đều phải đáp ứng các điều kiện theo quy định” ,Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, vấn đề khó khăn hiện nay là do chính sách kiểm soát dịch Covid-19 từ phía Trung Quốc. Mới đây, phía Trung Quốc vừa thông báo tạm ngừng thông quan tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sau 2 ngày mở cửa do phát hiện có lô hàng nhiễm virus SARS-CoV-2 dính trên bề mặt. “Đây là nhiễm trên bao bì sản phẩm trong quá trình vận chuyển chứ không phải trên sản phẩm, do vậy, DN cần hết sức lưu ý ở khâu bao bì và phương tiện vận chuyển hàng hoá. Bởi chỉ cần phía bạn phát hiện ra virus SARS-CoV-2 thì phải ngừng nhập khẩu 5 - 7 ngày để khử khuẩn...”, ông Nam lưu ý thêm.

Giải thích rõ hơn về tiêu chuẩn nông sản xuất sang Trung Quốc, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, quy định của Trung Quốc, hiện yêu cầu kỹ thuật cho tất cả hàng nông sản, thủy sản của các nước nói chung, trong đó có Việt Nam khi XK sang Trung Quốc là phải đáp ứng 3 điều kiện: Thứ nhất là, từ những vùng được quản lý về dịch hại để đảm bảo không có dịch hại. Thứ hai là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ ba là phải truy xuất được nguồn gốc.

“Chỉ những cơ sở có tên trong danh sách và từ vùng trồng được Trung Quốc công nhận thì mới được XK sang Trung Quốc, được Trung Quốc cho nhập khẩu vào. Hàng đi chính ngạch hay tiểu ngạch, đi đường biển hay đường bộ đều phải đáp ứng những yêu cầu đấy, không có phân biệt gì khác biệt cả”, ông Tiệp khẳng định.

Đọc thêm