Vì sao thanh niên Việt Nam chưa cao?

Một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực và tầm vóc của thanh thiếu niên Việt Nam là thể dục thể thao trường học ít được chú trọng. Học sinh phải học quá nhiều, ít thời gian tập thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh.

Công tác ở ngành ngoại giao nên anh Lê Quang liên tục có những chuyến xuất ngoại; song với chiều cao khiêm tốn 1m59, đứng cạnh các đối tác khiến anh luôn thấy chạnh lòng. Đã thế, anh lại càng sốt ruột hơn khi hai cậu con trai dù ở tuổi đang lớn nhưng chiều cao cũng chẳng có vẻ nhỉnh hơn bố là mấy…

Con thấp bé rầu lòng cha mẹ

Trong câu chuyện khi trà dư tửu hậu với bạn bè, anh Quang thường buông ra câu đùa nhưng phần nào cũng là nỗi ấm ức trong lòng: “Tớ biết mình thấp nên đã cố lấy vợ cao để “củng cố đời con”, vậy mà hai thằng con vẫn cứ lùn như bố”. Mỗi lần công tác nước ngoài, anh chú ý sưu tầm các sách viết về cách luyện tập và chế độ dinh dưỡng để tăng chiều cao của trẻ.

 

Hai vợ chồng anh sau khi nghiên cứu xong đã lên hẳn một “kế hoạch hoành tráng” để giúp hai cậu con trai cao lên. Khổ nỗi, sau vài ba năm nghiêm túc thực hiện từ chuyện ăn nghỉ cho tới thể thao xà đơn, bóng rổ mà chiều cao của hai cậu bé cũng chẳng cải thiện lên chút nào. Thằng anh năm nay bước vào lớp 12 với chiều cao 1m61, còn thằng em lớp 10 có nhỉnh hơn đôi chút - 1m63.

Cũng tâm trạng như gia đình anh Quang, chị Nguyễn Thị Thiết ở Khu tập thể Thanh Xuân (Hà Nội) đang có con gái học trường THCS Lý Thái Tổ cũng rất buồn lòng khi nghe bạn bè ở lớp chơi chữ tên Linh con mình thành “nấm Linh chi”. Chẳng hiểu nghe ai mách chị đã cho con uống cả thuốc tăng trưởng chiều cao mà chị gửi một người bạn đi Mỹ mua về, dù nhiều người can ngăn là thuốc đó có thể làm thay đổi nội tiết. Thế nhưng, rốt cuộc chiều cao của cô nữ sinh lớp 8 “nấm Linh chi” vẫn không vượt quá con số 1m50.

Lỗi do gen?

Việt Nam là đất nước đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, đói kém. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho tầm vóc và thể lực của người Việt con bị hạn chế. Trong những năm qua, khi chất lượng cuộc sống đã được cải thiện thì thể lực và tầm vóc người Việt Nam cũng bắt đầu có sự đầu tư nhất định.

 

Theo GS.TSKH Hà Huy Khôi (Hội Dinh dưỡng VN), chiều cao trung bình của người Việt, cả nam và nữ, đang tăng lên rõ rệt. So với số liệu trong cuốn Hằng số sinh học của người VN (Bộ Y tế xuất bản năm 1975), chiều cao trung bình ở nam đã tăng 3,7 cm và ở nữ tăng 3 cm. Thế nhưng, nếu so với chuẩn quốc tế thì thể lực và tầm vóc người Việt vẫn còn ở mức trung bình.

PGS. TS Lê Thị Hợp (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) đã đưa ra số liệu chứng minh là mặc dù đến nay, nam thanh niên VN hiện cao khoảng 163,7 cm, nữ cao 153,4 cm nhưng so với chuẩn quốc tế, chiều cao trung bình của thanh niên nam 18 tuổi vẫn kém 13,1 cm và nữ kém 10,7 cm. So với tầm vóc thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan thì tầm vóc của thanh niên Việt Nam đều ở ngưỡng dưới.

Một câu hỏi đặt ra là liệu có phải do cấu trúc gen của người Việt bị lỗi nên dẫn đến chiều cao bị hạn chế? Để trả lời câu hỏi này, PGS.TS Dương Nghiệp Chí (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thể dục thể thao) khẳng định: “Cấu trúc gen của người Việt không hề khiếm khuyết”. Để có được lời khẳng định chắc như đinh đóng cột này, cách đây 3 năm, ông Dương Nghiệp Chí cùng các đồng nghiệp đã bỏ rất nhiều công sức để xây dựng hẳn một Đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam. Những nghiên cứu của Đề án này cho thấy, cấu trúc gen ti thể của người Việt Nam hoàn toàn tương đương với cấu trúc gen ti thể của những người châu Á khác, tuyệt nhiên không có sự khác biệt hay khiếm khuyết gì.

Vạch mặt “thủ phạm”

Nghiên cứu về sự phát triển trẻ em từ sơ sinh đến 18 tuổi của Viện Dinh dưỡng cho thấy xu hướng tăng trưởng về chiều cao đối với người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, hiện nay không đồng đều. Mức phát triển của trẻ em Việt trong 3 tháng đầu là đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng sau đó lại giảm dần, nhất là thời kỳ 6-12 tháng và 6-11 tuổi.

 
PGS.TS Lê Thị Hợp phân tích cuộc đời của con người có ba mốc phát triển chiều cao: Giai đoạn bào thai, 1-5 tuổi và 6-17 tuổi. Tuy nhiên, do thói quen ăn uống thiếu khoa học, chủ yếu ăn theo sở thích là chính của người Việt là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến con trẻ thấp bé, nhẹ cân. Bên cạnh đó, đa số gia đình người Việt thường không chú trọng chăm sóc về dinh dưỡng hợp lý cho lứa tuổi học đường (tương ứng với giai đoạn từ 1 đến 17 tuổi) nên thanh thiếu niên Việt đã bị ảnh hưởng đến tầm vóc.

GS.TS Dương Nghiệp Chí cũng chỉ ra rằng, các nghiên cứu của người Nhật cho thấy các yếu tố di truyền có ảnh hưởng không hề lớn tới việc cải thiện chiều cao của con người. Cụ thể, tỷ trọng ảnh hưởng là dinh dưỡng 31%, di truyền 23%, thể dục thể thao 20% và các yếu tố hoàn cảnh khác khoảng 20-26%. Theo ông Chí, một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực và tầm vóc của thanh thiếu niên Việt Nam là thể dục thể thao trường học ít được chú trọng. Học sinh phải học quá nhiều, ít thời gian tập thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh. 

Năm 2020, nam thanh niên Việt Nam cao trung bình 1,67m, nữ cao 1,57m

Ngày 16/10/2010, nhằm thực hiện Đề án nâng cao thể chất và chiều cao người Việt Nam từ năm 2010 – 2030, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ Y tế chủ trì nội dung chăm sóc sức khỏe phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi; Bộ Giáo dục-Đào tạo chủ trì nội dung phát triển các hoạt động thể chất, thể thao trong nhà trường.

Những hoạt động này để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, nam thanh niên Việt Nam cao trung bình 1,67m, nữ cao 1,57m. Liên quan đến vấn đề này, ĐH Y Hà Nội đang đề xuất Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Y tế cho phép tiến hành điều tra hằng số sinh học người Việt trên toàn quốc.

Béo phì cũng là nguyên nhân gây thấp, lùn

Trong buổi Hội thảo nuôi con toàn diện do Hội LHPN TP.HCM tổ chức vừa qua, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương – Trưởng phòng khám Trung tâm dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay các bà mẹ tìm nhiều cách để con phát triển chiều cao, nhưng lại không mấy người nhận ra rằng một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị hạn chế chiều cao chính là béo phì. Tỷ lệ trẻ bị thừa cân, béo phì tại Tp.HCM đã tăng đáng kể từ 3,2% năm 2000 lên 10,9% năm 2008.

Hồng Minh

Đọc thêm