Ông Trần Đức Phấn đã thừa nhận: “Có thể thấy, lần tham dự này chúng ta chưa đạt được thành tích như mong muốn, kể cả mục tiêu có khả năng tranh chấp huy chương nội dung cử tạ nữ. Kết quả đó cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu tại Olympic và được rút kinh nghiệm sau mỗi ngày thi đấu tại cuộc họp Đoàn hằng ngày".
Theo ông Phấn, ảnh hưởng của đại dịch COVID –19 làm kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới.
“Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Mặc dù thời gian không dài, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn.
Đơn cử như những VĐV môn bơi, trong đó có kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, đạt hai chuẩn A nội dung 800m và 1500m từ rất sớm, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài phải đóng cửa hoàn toàn. Có nhiều thời điểm Huy Hoàng không được xuống nước mà phải tập trên bờ. Hay như các VĐV cử tạ sau thi đấu vòng loại về nước phải thực hiện cách ly hơn 40 ngày và các VĐV khác cũng trong hoàn cảnh tương tự vì dịch bệnh. Đây chính là những hạn chế lớn trong quá trình chuẩn bị của VĐV”.
Ông Phấn nói đúng, nhưng còn thêm một điều là bấy lâu nay TTVN vẫn trông chờ vào nỗ lực của VĐV hơn là có một lộ trình dài hơi cho thể thao thành tích cao. Vì thế, TTVN không có phương án B cho các VĐV chuẩn bị thi đấu ở Olympic. Nếu vì đại dịch, những nước như Thái Lan, Philipines hay Indonesia còn khó khăn hơn nhiều, nhưng các VĐV vẫn có phương án luyện tập và đã có HCV.
Thêm một thất bại đáng tiếc của Hoàng Thị Duyên |
Thể lực và trình độ cũng là một hạn chế để VĐV vươn lên đỉnh cao. Theo đại diện đoàn TTVN: “Có một số nội dung VĐV thi đấu chưa đạt được thậm chí là thấp hơn thành tích mà VĐV đã đạt được trong thời gian vừa qua như: Taekwondo, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bắn cung, Judo. Đây là những môn hy vọng sẽ có những đột phá tại TVH lần này, trong đó có môn được tập huấn thi đấu nước ngoài (Taekwondo) nhưng không có sự cải thiện đáng kể về thành tích và điểm hạn chế, bộc lộ rõ nhất vẫn là thể lực”.
Những môn đối kháng về võ thuật hay cử tạ thi đấu theo hạng cân, tuy nhiên, những môn như bắn cung, thể dục dụng cụ, thi đấu vấn đề tâm lý là quan trọng nhất.
Có thể thấy, với n hững VĐV được lựa chọn thi đấu Olympic đều là "VĐV đỉnh cao" thì vấn đề thể lực không phải là vấn đề cốt lõi mà là tâm lý thi đấu. Chúng ta đã để thua đáng tiếc ở bộ môn bắn cung của Ánh Nguyệt và cử tạ. Chỉ cần tâm lý tốt hơn Hoàng Thị Duyên và Thạch Kim Tuấn sẽ làm tốt hơn cho bộ môn cử tạ.
Câu hỏi đặt ra tại sao ngành TTVN biết thể lực là điểm yếu của TTVN trong bao năm qua mà không thể cải thiện cho VĐV?.
VĐV Thùy Linh hứa hẹn sẽ là điểm sáng của TTVN trong những năm tới |
Dù trắng tay tại đấu trường Olympic lần này, ông Phấn vẫn tin tưởng TTVN sẽ trở lại mạnh mẽ: “Việc giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của TTVN sẽ đến tham dự Thế vận hội với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương.
Sau Olympic, Tổng cục TDTT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL để giải quyết mục tiêu này”.