Đó là khẳng định của bà Helena Berger - Chủ tịch kiêm CEO của Hội Người khuyết tật Mỹ (AAPD) – khi nói về những tác động mà Luật về Người khuyết tật của Mỹ đã mang lại.
Một thế hệ người khuyết tật mới
Tại cuộc nói chuyện, bà Berger cho biết, năm 1990, Mỹ đã thông qua Luật về người khuyết tật, theo đó quy định cấm tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Sau 28 năm thi hành, đối với người khuyết tật Mỹ, luật đã có những tác động vô cùng to lớn. Người khuyết tật ở Mỹ có thể tiếp cận tốt hơn đối với các cơ sở lưu trú công cộng như khách sạn, rạp chiếu phim.
Trong đó, tác động quan trọng nhất là quá trình hòa nhập của người khuyết tật vào đời sống xã hội. Theo bà Berger, luật ra đời đã giúp cao được nhận thức của mọi người, của xã hội về người khuyết tật; xóa bỏ rất nhiều rào cản khác nhau để giúp người khuyết tật có thể hiện thực hóa được những tiềm năng trong con người của họ.
“Hiện nay, chúng tôi đã có một thế hệ sinh sau này 26/7/1990, tức sau khi luật được ra đời, là những thanh niên khuyết tật đã tích cực theo đuổi nhằm khẳng định bản sắc, những đặc điểm riêng của mình. Rất nhiều người khuyết tật, bao gồm cả người già hay người trẻ cũng như gia đình của họ thúc đẩy được nhận thức khuyết tật cũng là nét đẹp, nét tự nhiên trong sự đa dạng vốn có của con người. Luật về người khuyết tật Mỹ đã giúp những người khuyết tật có thể tự hào về những khuyết tật của họ. Chính quan niệm coi trọng giá trị bản thân và coi khuyết tật của mình cũng là điều đáng tự hào đã tạo ra những sức sống mới cho những người khuyết tật ở Mỹ, góp phần thay đổi quan niệm về người khuyết tật”, bà Berger cho hay.
Chủ tịch Hội người khuyết tật Mỹ cho biết, kể từ khi có luật, rất nhiều người khuyết tật đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, bao gồm cả ở cấp liên bang và tiểu bang, thể hiện tiếng nói của mình trong đời sống công cộng cũng như trong quá trình hoạch định chính sách. Nhiều người khuyết tật đã tham gia tranh cử và được bầu cử vào những cơ quan công quyền trong chính quyền ở Mỹ.
“Chúng tôi đã thấy được tiềm năng của người khuyết tật và coi những người khuyết tật cũng là những cử tri có ảnh hưởng và có tiềm năng lớn”, bà nói.
Tuy nhiên, bà Berger cũng thừa nhận Mỹ cũng vẫn gặp nhiều thách thức trong việc bảo vệ quyền của người khuyết tật. Một trong những rào cản ở đây là việc tiếp cận với quyền bỏ phiếu và hòm phiếu còn gặp khó khăn. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 60% các địa điểm bỏ phiếu có một trong số những rào cản đặt ra với người khuyết tật khiến họ khó có thể thực hiện được quyền cử tri của mình khi đi bỏ phiếu.
Trong lĩnh vực giáo dục, Mỹ cũng đã có những tiến bộ rất nhất định, đặc biệt là tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh khuyết tật tại các trường phổ thông trung học. Theo số liệu mới nhất, trong năm học 2016-2018, tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học của học sinh khuyết tật là 65,5%, cao hơn 1% so với năm học trước đó. Tuy nhiên, tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học của những học sinh bình thường cao hơn rất nhiều, đạt 84%.
“Điều đó có nghĩa là chúng tôi cần quan tâm nhiều hơn và cải thiện nhiều hơn nữa để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học của những học sinh khuyết tật”, bà nói.
Việc làm vẫn là thách thức lớn nhất
Theo bà Berger, Luật về người khuyết tật Mỹ đã đặt ra 4 mục tiêu, bao gồm cơ hội bình đẳng, sự tham gia đầy đủ, sống tự lập và tự chủ về mặt kinh tế. Đến nay, Mỹ đã đạt được rất nhiều những tiến bộ trong việc đảm bảo quyền của người khuyết tật, nhất là trong hai mục tiêu đầu tiên.
Song, mục tiêu tự chủ về kinh tế, tức là việc làm công ăn việc làm cho người khuyết tật vẫn chưa thực hiện được nhiều. Sau 28 năm kể từ ngày luật về người khuyết tật được thông qua, đây vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với người khuyết tật Mỹ.
Số liệu thống kê về tỷ lệ tham gia thị trường lao động mới nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố vào tháng 7/2018 cho thấy tỷ lệ người khuyết tật tham gia thị trường lao động là 20% trong khi tỷ lệ tham gia thị trường lao động của những người không khuyết tật là 69%. Ở một vế khác, tỷ lệ thất nghiệp của người khuyết tật là 6,5% trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở những người không khuyết tật là 3,9%”, bà Berger cho hay.
Theo Chủ tịch Hội người khuyết tật Mỹ, những rào cản thái độ trong xã hội là những rào cản còn tồn tại dai dẳng, ngăn cản việc làm với người khuyết tật.
“Rất khác với các rào cản về mặt vật lý cũng như rào cản về mặt hệ thống, những rào cản về mặt thái độ thì không thể dễ dàng vượt qua, khắc phục được thông qua các văn bản quy phạm pháp luật. Chính những rào cản về thái độ như vậy dẫn đến phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Cách tốt nhất để có thể xóa bỏ những rào cản như vậy là việc làm quen, có nghĩa là để người khuyết tật và người không khuyết tật cùng giao lưu cùng làm việc vói nhau, lâu dần họ sẽ quen, tôn trọng lẫn nhau”, bà Berger nhận định.
Cùng với đó, bà cho rằng để tăng cường cơ hội việc làm cũng như kết quả việc làm, Mỹ cũng cần cải thiện hơn nữa quá trình chuyển đổi từ nhà trường sang việc làm, tập trung đặc biệt vào các học sinh tốt nghiệp phổ thông để họ có thể chuyển tiếp sang giai đoạn học cao đẳng, đại học đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa việc giải quyết những biện pháp mang tính chất khuyến khích việc làm dành cho người khuyết tật.
Berger cũng cho hay, hiện nay ở Mỹ, khi một người được nhận những sợ trợ giúp từ chính phủ thì họ phải nằm trong ngưỡng thu nhập và tài sản nhất định nào đó, nếu vượt quá thì họ sẽ không được hưởng sự hỗ trợ của chính phủ. Đây cũng là một trong những rào cản đặt ra đối với người khuyết tật vì điều này có nghĩa là người khuyết tật phải đứng trước sự lựa chọn hoặc tiếp tục không làm việc để được hưởng phúc lợi mà chính phủ dành cho mình hoặc đi làm để có mức thu nhập mà nếu vượt qua ngưỡng nhất định nào đó thì họ sẽ không được hưởng sự trợ cấp nữa. Nhiều người đã lựa chọn phương án thứ nhất, tức là chỉ ở nhà để nhận phúc lợi, bà cho hay.
Người mang đến những giải pháp sáng tạo
Theo bà Berger, Hội người khuyết tật Mỹ đã đưa ra chỉ số về công bằng liên quan đến người khuyết tật “DEI”. Đây là bộ công cụ hỗ trợ tiêu chuẩn mang tính chất toàn diện, đã được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người vận động vì quyền của người khuyết tật cùng nhau xây dựng để giúp các doanh nghiệp lớn ở Mỹ có thể đánh giá xem mức độ của họ trong việc thúc đẩy sự hòa nhập cũng như bao trùm trong tự chủ cuộc sống của người khuyết tật.
Bà Berger. |
Theo báo cáo, trong năm 2018 có 145 doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát để đánh giá về mức độ hòa nhập trong tuyển dụng người khuyết tật, tăng 32% so với năm ngoái. Các doanh nghiệp này đã tuyển dụng và tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người trên toàn cầu.
“Nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện nay đã nhận thấy những người khuyết tật chính là những thành viên cực kỳ quan trọng mà họ chưa khai thác hết vì chính những người khuyết tật này sẽ mang đến cho họ những giải pháp mang tính chất đổi mới và sáng tạo, giúp cho doanh nghiệp của họ có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề của mình. Những doanh nghiệp này cũng đã nhận thấy việc hòa nhập người khuyết tật không chỉ là một việc làm đúng đắn mà họ cần làm mà còn là cơ hội để họ cải thiện kết quả kinh doanh của mình”, bà Berger cho hay.
Những thách thức khác ở Mỹ hiện nay đối với người khuyết tật bao gồm những loại giao thông mới chưa tiếp cận đối với người khuyết tật; làm thế nào để người khuyết tật có thể tiếp cận dễ dàng với vấn đề nhà ở; tăng tỉ lệ sinh viên người khuyết tật tại các trường đại học và cao đẳng; đảm bảo quyền của những bậc cha mẹ là những người khuyết tật…
“Quyền của người khuyết tật cũng là cũng là dân quyền và muốn thúc đẩy dân quyền thì cần phải có sự thay đổi trong xã hội. Rất tiếc là những thay đổi đó không thể sinh ra một sớm một chiều mà cần phải có thời gian và không có một sự thay đổi nào trong xã hội xuất phát duy nhất từ hành động và biện pháp của chính phủ mà những sự thay đổi trong xã hội. Như vậy phải xuất phát từ sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng thì mới tạo ra những thay đổi trong xã hội”, bà Berger nói.