Những con số báo động
Bác sĩ Thư cảnh báo: “Đến 2020 sẽ có 90% các trường hợp thay khớp gối và khớp háng là do thoái hoá khớp cả về nguyên phát và thứ phát”.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, tuổi thọ con người càng được nâng cao thì tỷ lệ các bệnh xương khớp ngày càng phổ biến. Thống kê tại Mỹ cho thấy, hơn 1/3 dân số mắc các bệnh về xương khớp. Trong đó 80% người trên 55 tuổi bị thoái hóa khớp. Mỗi năm thoái hóa khớp cũng gây ra 1 triệu lượt nhập viện và 45 triệu lượt khám và làm tổn thất 100 tỷ USD cho chi phí điều trị và mất sức lao động.
Còn tại Việt Nam, dân số vượt ngưỡng 86 triệu người và tuổi thọ trung bình đã đạt tới 72,5 tuổi cũng là một trong những thách thức cho việc điều trị căn bệnh này.
|
PGS Lê Anh Thư. |
Theo những số liệu gần đây, người tuổi già tại nước ta đã lên hơn 6 triệu người, chiếm 7% tổng dân số. Theo dự đoán, tỉ lệ này sẽ tăng lên khoảng trên 10 triệu, chiếm 10% dân số vào 2020. Do vậy, chăm sóc sức khoẻ xương khớp cho người có tuổi đang là thách thức ngành y tế. Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng với tỉ lệ 30 % người trên 35 tuổi, 60 % người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp là con số thực sự đáng quan tâm.
Th.S, BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ Xương Khớp bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM thì bệnh thoái hóa khớp đang có tần xuất mắc phải rất cao trong cộng đồng. BS Lan cho biết, mỗi ngày tại bệnh viện này tiếp nhận khoảng gần 200 bệnh nhân tới khám, tái khám các bệnh liên quan về xương khớp. Trong đó có trên 50% bị thoái hóa khớp.
Đáng chú ý, tại bệnh viện Chợ Rẫy, theo số liệu năm 2014, có đến 64.000 lượt bệnh nhân đến Phòng khám khớp của bệnh viện. Tương tự, tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, trung bình mỗi ngày phòng khám khớp khám cho 250 bệnh nhân.
Theo BS Lan, bệnh nhân bị thoái hóa khớp có độ tuổi thấp hơn nhiều bệnh khác. Tuy vậy, người dân nhất là tại các vùng nông thôn hiểu về bệnh đau xương khớp rất hạn chế. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đó chỉ là những cơn đau tức thời, vô tâm bỏ qua. Bác sĩ Thư khuyến cáo dân số nước ta đang già hóa, các bệnh xương khớp nói chung và thoái hóa khớp, sụn khớp nói riêng sẽ là gánh nặng cho kinh tế gia đình, xã hội và gánh nặng cho BHYT khi thời gian điều trị kéo dài.
Phương pháp điều trị
Hiện nay, biện pháp điều trị thoái hóa khớp phải bao gồm chế độ luyện tập và thuốc men. Trong biện pháp sử dụng thuốc, việc dùng thuốc kháng viêm giảm đau chỉ có tác dụng nhất thời mà không thể phục hồi lớp sụn bị thoái hóa. Hơn nữa, nếu lạm dụng thuốc lâu dài tiềm ẩn khả năng gây loét dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng thận.
Mới đây, y học đã tìm ra và áp dụng nhiều loại dưỡng chất đặc biệt áp dụng vào quá trình ngăn ngừa và điều trị thoái hóa khớp. Cụ thể, người ta nhận thấy trong sụn chứa rất nhiều thành phần chất Collagen Type 2, chiếm 90% chất collagen. Hiệu quả của bổ sung Collagen Type II giúp sụn có thể phục hồi. Một nghiên cứu của tác giả David C. Crowley và cộng sự tiến hành tại Mỹ, Canada cho thấy bổ sung Collagen Type II mang lại kết quả tốt hơn hẳn so với phương pháp dùng thuốc trên bệnh nhân thoái hóa khớp sau 30, 60 và 90 ngày sử dụng. Bên cạnh đó, các bác sĩ chuyên khoa khuyên người bị thoái hóa khớp cần kiểm soát cân nặng, thay đổi thói quen sinh hoạt như: Hạn chế leo cầu thang hay khiêng vác nặng, tránh ngồi xổm hay ngồi xếp bằng hai chân, tránh vận động quá mức và cho khớp nghỉ ngơi. Khi tuổi đã lớn, khớp đã đau, cần tránh các môn thể thao mạnh.
Về chế độ ăn, nên ăn nhiều rau quả, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng đạm, tinh bột, chất béo (từ dầu thực vật) sẽ có lợi cho hệ xương khớp. Người bệnh cần tránh ăn mặn, ăn ngọt, tránh sử dụng rượu bia và chất kích thích thần kinh. Bởi những chất này gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị. Điều cần lưu ý nữa, người bệnh cần thực hiện nguyên tắc: Vận động cường độ thấp nhưng thường xuyên. Nên tập 10 phút/ lần, 30 phút/ngày, 5 buổi/tuần và không tập quá sức.