-Là Lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị, Thứ trưởng nhận thấy đâu là dấu ấn trưởng thành của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý trong 40 năm qua?
Nhìn lại chặng đường 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý đã có nhiều thay đổi và trưởng thành. Cho phép tôi nhấn mạnh 3 khía cạnh sau đây cho thấy sự trưởng thành của Viện:
Thứ nhất là sự phát triển về chức năng, nhiệm vụ và cùng với đó là sự lớn mạnh về tổ chức bộ máy. Ở thời điểm mới thành lập, chức năng, nhiệm vụ của Viện khá đơn giản, đó là thực hiện công việc nghiên cứu về khoa học pháp lý xoay quanh các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn những năm 1980. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành được mở rộng, bao trùm hầu hết các vấn đề pháp luật, tư pháp đương đại, kéo theo phạm vi nghiên cứu của khoa học pháp lý cũng ngày càng mở rộng với yêu cầu cao hơn. Đến nay, cùng với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Viện được giao thêm nhiệm vụ quản lý khoa học, thông tin khoa học pháp lý và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các vấn đề pháp luật và tư pháp. Về tổ chức bộ máy, những ngày đầu thành lập, Viện chưa có cơ cấu tổ chức ở bên trong thì nay Viện đã có cơ cấu tổ chức khá chặt chẽ với 5 Ban nghiên cứu, 1 Phòng và 1 Trung tâm với chức năng, nhiệm vụ được chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ Viện hiện nay gồm 03 Lãnh đạo Viện và 36 viên chức.
|
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Tập thể cán bộ viên chức Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý. |
Thứ hai là về kết quả nghiên cứu khoa học và tham mưu chính sách, pháp luật cho Bộ, ngành Tư pháp. Viện đã khẳng định được vai trò, phát huy vị thế của mình trong việc giúp Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ tham mưu chất lượng với các cấp có thẩm quyền xây dựng các chủ trương, đường lối quan trọng của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, pháp luật, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, thể hiện rõ nét trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và gần đây nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tập thể Viện đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ hoàn thành hơn 600 đề tài, nhiệm vụ khoa học. Các cán bộ nghiên cứu của Viện đã chủ biên hoặc đồng tác giả của trên 140 đầu sách chuyên khảo và tham khảo, cùng hàng trăm bài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín và hơn 350 số Thông tin khoa học pháp lý
Thứ ba là về tên gọi của Viện. Sau một số lần thay đổi tên, kể từ năm 2023 khi Nghị định số 98/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Viện chính thức mang tên là Viện Chiến lược và khoa học pháp lý. Tên gọi của Viện bổ sung thêm hai từ “chiến lược” thể hiện sự kỳ vọng, trước hết là của Lãnh đạo Bộ và cũng là yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn của sự phát triển khoa học pháp lý đối với Viện – một trong các đơn vị nghiên cứu về pháp luật và tư pháp ra đời sớm nhất, có truyền thống và có thể nói là đầu ngành trong cả nước. Với sự kỳ vọng và đòi hỏi của thực tiễn đó, Viện Chiến lược và khoa học pháp lý được tin tưởng giao thêm một số chức năng, nhiệm vụ mới.
-Với việc chính thức mang tên Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Thứ trưởng có kỳ vọng gì vào sự phát triển của Viện trong thời gian tới?
Trước hết, với tên mới là Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý thì chúng ta thấy điểm nhấn là cần tập trung hơn cho nghiên cứu các vấn đề chiến lược, dài hạn trong công tác pháp luật, tư pháp, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu các vấn đề để cung cấp cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quốc tế để giải quyết các vấn đề pháp luật và tư pháp đặt ra đối với Bộ, ngành Tư pháp. Nếu làm tốt được cả hai nhóm nhiệm vụ này thì chắc chắn vị thế của Viện sẽ được nâng cao hơn nữa ở cả trong nước và quốc tế.
Thứ hai, công việc nghiên cứu các vấn đề pháp luật và tư pháp gắn rất chặt với thể chế chính trị, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Do đó, Viện cần nắm chắc các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, định hướng chính sách của Đảng để bảo đảm đúng định hướng và phù hợp với thực tế nước ta. Tức là, muốn nghiên cứu vấn đề gì thì phải hiểu được, làm rõ được cơ sở chính trị, quan điểm của Đảng về vấn đề này và bám sát vào đó. Tiếp đó là nắm rõ các cơ sở pháp lý, kể cả cơ sở pháp lý quốc tế và kinh nghiệm nước ngoài cũng có vai trò quan trọng để bảo đảm các kết quả nghiên cứu của Viện có tính mới, tính sáng tạo nhưng đặt vào hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam thì vẫn áp dụng và phát huy được. Cần tránh tình trạng nghiên cứu các vấn đề pháp luật và tư pháp mà không rõ thực trạng quy định pháp luật Việt Nam hiện có. Kết quả nghiên cứu của Viện chỉ có thể đi vào cuộc sống khi nó khả thi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp.
Cuối cùng, tất cả những kỳ vọng trên có thể sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu Viện Chiến lược và khoa học pháp lý không xây dựng được đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi và có cách thức lãnh đạo, quản lý, khai thác năng lực con người thật tốt, kể cả những cộng tác viên bên ngoài.
- Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Thứ trưởng có điều gì nhắn nhủ?
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện, tôi xin trân trọng ghi nhận, biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp của Tập thể Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, các thế hệ lãnh đạo, viên chức đã và đang công tác tại Viện trong suốt 40 năm qua. Tôi tin tưởng rằng với lịch sử 40 năm xây dựng và trưởng thành, bề dày thành tựu mà các đồng chí đã đạt được, tập thể Viện tiếp tục nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chúc Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý bước vào chặng đường phát triển mới với nhiều thành công hơn nữa.
-Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
Phóng viên (thực hiện)