“Viên ngọc xanh” Cao Bằng hướng tới du lịch bền vững trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”, được tổ chức tại Cao Bằng từ ngày 05/9 - 17/9/2024. Hội nghị quốc tế có khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng phối hợp Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao chủ trì Hội nghị.
“Viên ngọc xanh” Cao Bằng hướng tới du lịch bền vững trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Hội nghị là dịp để tỉnh Cao Bằng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát huy giá trị mô hình CVĐC với các nước trên thế giới, cơ hội xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng, tiềm năng du lịch miền đất và con người Cao Bằng tới đại biểu trong nước, đặc biệt là đại biểu quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, khát vọng tạo thương hiệu du lịch Cao Bằng.

Nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại, có bề dày về lịch sử văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng - được ví như “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam - nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững.

CVĐC Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu thứ 5 của Đông Nam Á và thứ 2 của Việt Nam.

Một số điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Cao Bằng đã và đang được đưa vào vận hành khai thác hiệu quả, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, như: Làng đá cổ Khuổi Ky, xóm Khuổi Khon, xóm Hoài Khao, Bản Giuồng, làng rèn, làng nghề làm hương xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen.

Một góc tại làng cổ Khuổi Ky - Trùng Khánh (Ảnh: Lê Hanh)

Một góc tại làng cổ Khuổi Ky - Trùng Khánh (Ảnh: Lê Hanh)

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng của vùng núi Đông Bắc, Cao Bằng cũng hình thành các vùng trồng cây đặc sản hút khách du lịch như: Miến dong Phja Đén (huyện Nguyên Bình), quả Lê và Thạch đen (huyện Thạch An), hạt Dẻ và thạch trắng Mác Púp (huyện Trùng Khánh), chè Giảo cổ lam, Hà Thủ Ô đỏ.

Ngoài ra, Cao Bằng nổi tiếng như một thiên đường ẩm thực với các sản vật được công nhận: Lê Đông Khê (huyện Thạch An) lọt vào Top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012; Bánh Coóng phù Cao Bằng lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015; Xôi Trám, Bánh Coóng phù, Hạt dẻ lọt top 100 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam vào tháng 02/2021; bánh cuốn, bánh áp chao lọt Top món ăn đặc sản Việt Nam (2021 - 2022); bánh chè lam, miến dong Phja Đén lọt Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2021 - 2022)...

Người dân tộc Dao Tiền tại xóm Hoài Khao - Nguyên Bình thu hoạch sáp ong để in hoa văn lên vải ( Ảnh: Lê Hanh)

Người dân tộc Dao Tiền tại xóm Hoài Khao - Nguyên Bình thu hoạch sáp ong để in hoa văn lên vải ( Ảnh: Lê Hanh)

Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái, tô điểm những thắng cảnh được ví như “xứ sở thần tiên” say đắm lòng người như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần Núi, cảnh quan Phong Nặm - Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh), quần thể hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa)... Tại đây, có những giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Khu bảo tồn vượn Cao Vít, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học với trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm…

Thác Bản Giốc - thác nước tự nhiên đẹp nhất Đông Nam Á (Ảnh: Lê Hanh)

Thác Bản Giốc - thác nước tự nhiên đẹp nhất Đông Nam Á (Ảnh: Lê Hanh)

Tiêu biểu, danh thắng thác Bản Giốc được các hãng thông tấn, báo chí thế giới vinh danh là một trong 4 thác nước lớn trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia, là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

Cao Bằng là địa phương thứ hai trong cả nước đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu do Hội đồng UNESCO công nhận vào tháng 4/2018.

CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng hội tụ hơn 200 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của Trái đất bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng và các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, với diện tích hơn 3.683 km2 cùng bốn “tuyến đường trải nghiệm”.

Cửa khẩu Quốc Tế Trà Lĩnh (Ảnh: Lê Hanh)

Cửa khẩu Quốc Tế Trà Lĩnh (Ảnh: Lê Hanh)

Bốn “tuyến đường trải nghiệm” đặc sắc tại Cao Bằng thu hút đông đảo khách du lịch: Tuyến du lịch phía Bắc "Hành trình về nguồn cội"; Tuyến du lịch phía Tây "Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay"; Tuyến du lịch phía Đông "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên"; Tuyến du lịch "Một thời hoa lửa".

Không chỉ sở hữu nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn, tỉnh Cao Bằng còn có đường biên giới dài hơn 333 km với nhiều cặp cửa khẩu, nhiều lối mở và cặp chợ biên giới tạo cho Cao Bằng trở thành cầu nối, giao thương xuất nhập khẩu, du lịch và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong năm 2023, Tỉnh Cao Bằng phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức lễ nâng cấp/công nhận cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc).

Đặc biệt, ngày 15/9/2023, Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) được tổ chức, Cao Bằng trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai trên thực địa mô hình hợp tác du lịch liên quốc gia, với kỳ vọng.

Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Đức Thiên) là mô hình hợp tác du lịch xanh, du lịch bền vững tiêu biểu, đây cũng là kỳ quan hứa hẹn một điểm đến tiềm năng, là khu du lịch trọng điểm của Việt Nam trong thời gian tới.

Đọc thêm