Cụ thể, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác. Theo chức năng được giao, Bộ Tư pháp thường xuyên thực hiện nhiệm vụ cho ý kiến về việc áp dụng pháp luật và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước; là cơ quan được Chính phủ giao cấp ý kiến pháp lý đối với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, bảo lãnh Chính phủ, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật hoặc các trường hợp khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý và cho ý kiến về các vấn đề pháp luật quốc tế thuộc nhiệm vụ của Bộ phát sinh từ bảo vệ chủ quyền quốc gia, hội nhập quốc tế và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Ở địa phương, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp, bên cạnh các chức năng tư pháp được giao, thường được UBND cấp tỉnh và huyện giao các nhiệm vụ có tính thường xuyên, có khối lượng lớn như cung cấp ý kiến pháp lý đối với các quyết định xử lý vi phạm hành chính, tham gia ý kiến pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hệ thống trợ giúp pháp lý được thành lập ở 63 tỉnh, TP đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế, trong đó có hoạt động tranh tụng tại Tòa án. Một số địa phương đã thí điểm thu hút luật sư tham gia hỗ trợ các công việc của chính quyền (như UBND TP Cần Thơ đã ra mắt đội ngũ 35 luật sư tham gia Đề án thí điểm khuyến khích, thu hút đội ngũ luật sư tham gia vào các hoạt động của TP Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025, có thể được coi là một đề án thí điểm luật sư công đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).
Ở các Bộ, ngành đã hình thành các tổ chức pháp chế và đội ngũ pháp chế ở Trung ương, địa phương tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức pháp chế thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, kỷ luật, kỷ cương trong xã hội được thiết lập, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các lợi ích công, quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân được bảo đảm, hoạt động tham gia giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các tranh chấp quốc tế và trong nước đạt được kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thuộc ngành Tư pháp nói riêng và công tác tư pháp nói chung vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định, chưa thực sự thể hiện đầy đủ vai trò là cơ quan tham mưu, “gác cổng” về mặt pháp lý cho các Bộ, ngành và chính quyền các cấp và phòng ngừa, giải quyết khiếu kiện về hành chính, bồi thường nhà nước và tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý áp dụng pháp luật phát sinh trong thực tiễn, kịp thời bảo vệ lợi ích Nhà nước, quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Vì vậy, việc hình thành đội ngũ luật sư chuyên trách ở các Bộ, ngành và địa phương nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trên là cần thiết, nhằm bảo đảm các yêu cầu ngày càng cao về việc tuân thủ và thực thi pháp luật trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.