Việt Nam có nên tham gia công ước ICSID?

Hiện vẫn có hai luồng ý kiến trái chiều về việc Việt Nam có nên tham gia Công ước ICSID liên quan đến  giải quyết tranh chấp thương mại/đầu tư quốc tế.

Hiện vẫn có hai luồng ý kiến trái chiều về việc Việt Nam có nên tham gia Công ước ICSID liên quan đến  giải quyết tranh chấp thương mại/đầu tư quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế càng mở rộng và đi vào thực chất thì khả năng phát sinh tranh chấp ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa)

Theo TS. Nguyễn Thanh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp, quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng càng mở rộng và đi vào thực chất thì khả năng phát sinh tranh chấp ngày càng nhiều.

Tranh chấp có thể xẩy ra giữa chính phủ với chính phủ (như tranh chấp giữa các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO), giữa chính phủ với doanh nghiệp (như tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ trên cơ sở các hiệp định bảo hộ đầu tư) và giữa các doanh nghiệp (DN) với nhau.

Đối với các tranh chấp thương mại quốc tế giữa DN Việt Nam và DN (hay cá nhân) nước ngoài được xét xử ở nước ngoài, DN Việt Nam thường gặp nhiều bất lợi vì khá xa lạ với hệ thống cơ quan xét xử, thủ tục tố tụng, pháp luật áp dụng cũng như sự khác biệt về văn hóa pháp lý và rào cản ngôn ngữ. Do đó trong một chừng mực nhất định, theo ông Tú, Chính phủ Việt Nam nên thông qua các bộ, ngành liên quan, có thể có những hỗ trợ thích hợp trước, trong và sau quá trình giải quyết tranh chấp thương mại này.

Khi thực hiện các hỗ trợ này, “Bộ Tư pháp tham gia giải quyết về mặt pháp lý các tranh chấp quốc tế có liên quan tới Việt Nam theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ phối kết hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương  và các bộ, ngành khác có liên quan để hỗ trợ DN Việt Nam tối đa trong phạm vi có thể trong các tranh chấp thương mại quốc tế này.

Đặc biệt, trong sân chơi toàn cầu, ngoài vấn đề cạnh tranh/xung đột giữa DN với DN thì mâu thuẫn giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ nước tiếp nhận đầu tư cũng là vấn đề nóng hổi. Vì thế, tại một cuộc hội thảo về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế (nằm trong phần kết của Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III, EU – VIETNAM MUTRAP III) do  trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức tại Hà Nội vừa qua, câu hỏi được thảo luận sôi nổi là Việt Nam có nên tham gia Công ước ICSID (Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ICSID, trung tâm này được thành lập theo Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và công dân của nhà nước khác, trong đó có các nhà đầu tư).

Các ý kiến tán thành việc tham gia ICSID biện luận, vì hiện nay Việt Nam đã ký tới 62 hiệp định bảo hộ đầu tư cho nên chúng ta luôn có thể là nguyên đơn, hoặc bị đơn trong các hợp đồng này. TS. Nguyễn Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật thương mại quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương) cung cấp số liệu: đến nay đã có 146 quốc gia tham gia Công ước ICSID, tới nay, trong số 390 vụ tranh chấp đầu tư trên toàn thế giới thì có 245 vụ được giải quyết theo cơ chế của ICSID.

Trong khi đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng Việt Nam chưa cần thiết phải tham gia ICSID. “Chúng ta nên “đặt lên bàn cân” về việc tham gia công ước này” - Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng (Cty luật Dũng và cộng sự LLC) thận trọng. Lý do theo ông Dũng, cho dù chúng ta không tham gia Công ước ICSID thì Việt Nam vẫn là “tâm điểm” hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, theo luật sư này, Việt Nam cũng đã tham gia Công ước về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài ngày 10/6/1958 (Công ước NewYork năm 1958) nhưng trên thực tế, việc thực hiện đến nay vẫn còn “hiếm như lá mùa thu”, chưa nói chi đến việc lại tham gia thêm một công ước mới.

Tại hội thảo, chính bà Hằng cũng cho biết đến nay đã có 2 nước rút khỏi công ước và theo tin mới nhất, Venezuela có thể sẽ là trường hợp thứ ba. Được biết, trong một vụ kiện mới đây, Venezuela - trong tư cách nguyên đơn đã phải bỏ chi phí 20 triệu USD để theo kiện nhưng sau khi thắng kiện chỉ thu về được 8 triệu USD! Vì vậy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật thương mại quốc tế cũng thừa nhận, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rộng hơn để đưa ra quyết định có nên tham gia Công ước ICSID hay không. 

Mai Hoa – Hà Dung

Đọc thêm