Việt Nam có nguy cơ "đội sổ" về ô nhiễm môi trường

(PLO) - Theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ báo tài chính hàng đầu thế giới - Financial Times (Mỹ), lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp theo là Hungary và Romania.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Các đối thủ của Việt Nam tại Đông Nam Á cũng nằm trong danh sách này là Malaysia và Thái Lan với vị trí thấp hơn. Cụ thể, Intelligence chấm Việt Nam đạt 6,45 điểm, vị trí tiếp theo là Hungary với 4,32 điểm và Romania với 3,48 điểm. Malaysia, Thái Lan – đối thủ trực tiếp của Việt Nam ở Đông Nam Á ở vị trí thấp hơn, đạt lần lượt các số điểm 2,86 điểm và 2,43 điểm.

Tuy nhiên, nhiều cảnh báo hiểm họa ô nhiễm môi trường (ONMT) đã được đưa ra đối với Việt Nam. Sự cố Formosa gây ra đối với môi trường một số tỉnh miền Trung, hiện đang tiếp tục được dư luận xã hội quan tâm là điển hình của “thảm cảnh”. 

Ta chưa giàu nhưng đã ONMT. Việt Nam chưa thành nước công nghiệp hóa nhưng vấn đề ONMT đã rất nghiêm trọng. ONMT tăng kéo theo người bệnh tăng, tỷ lệ nghỉ ốm tăng... chi phí giải quyết các vấn đề xã hội lớn, đang là một thách thức hiện hữu. Hiện mỗi năm Việt Nam bị ảnh hưởng của ONMT tương đương với 2,5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 6,5%. Nếu với đà ONMT như hiện nay, ta sắp đuổi kịp Trung Quốc, nước giữ vị trí số một về ONMT. Chúng ta đang có nguy cơ “đội sổ”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Thương mại tự do: dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 27/5/2016 tại Hà Nội, nhiều nhà kinh tế phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam do muốn có lợi nhuận tối đa. Do đó nếu ta làm nghiêm túc thì buộc họ sẽ phải bảo vệ môi trường. Song, thật đáng tiếc là ta đã quá lỏng lẻo trong khâu giám sát môi trường. Gần như ta chưa có năng lực kiểm soát và đối phó khi xảy ra thảm họa môi trường (THMT). 

Bài học kinh nghiệm từ sự cố môi trường của Tập đoàn Formosa gây ONMT biển các tỉnh Bắc miền Trung, đã có cảnh báo các ngành, địa phương cần kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường (!). Không biết có ai để ý đến cảnh báo này không?

Một thời kỳ dài, các địa phương “nóng ruột” với tăng trưởng GDP và say sưa với các “báo cáo thành tích” nên không ít nơi thu hút đầu tư bất chấp công nghệ lạc hậu hủy hoại môi trường. Rõ  ràng đã đến lúc không thể đánh đổi bất cứ điều gì để lấy dự án đầu tư có những thiệt hại, tác động tiêu cực đến môi trường. Đã đến lúc phải kiên quyết xử lý các dự án đầu tư không tuân thủ và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả việc phải biết quyết định ngừng hoạt động hoặc cao hơn có thể là chấm dứt hoạt động của dự án.

Đầu tư theo hướng bền vững không chỉ vì hôm nay mà còn vì muôn đời con cháu mai sau.

Đọc thêm