Rút ngắn thời gian ủy thác tư pháp
Trong lĩnh vực dân sự, trên cơ sở quy định pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế về TTTP mà Việt Nam đã ký kết và thực tiễn TTTP với các nước; có thể thấy TTTP về dân sự tại Việt Nam được hiểu là việc các cơ quan có thẩm quyền của các nước hỗ trợ nhau trong thực hiện các hành vi tố tụng riêng biệt trong lĩnh vực dân sự. Để thực hiện TTTP, các cơ quan thẩm quyền sẽ đưa ra yêu cầu bằng văn bản gọi là ủy thác tư pháp (UTTP).
Về kết quả của các yêu cầu tương trợ, xuất phát từ việc không ngừng hoàn thiện hơn pháp luật trong nước và thúc đẩy đàm phán các Hiệp định song phương và gia nhập Công ước tống đạt, tỉ lệ các yêu cầu có phản hồi ở cả hai chiều cũng được cải thiện đáng kể.
Số liệu tại Bộ Tư pháp cho thấy, các năm 2013-2015, tỉ lệ có kết quả hai chiều đạt khoảng 55%-65%. Đến năm 2018 tỉ lệ này đã tăng đáng kể và đạt trên 80%. Trong đó đặc biệt là hồ sơ Việt Nam gửi đi Đài Loan (từ sau khi có thỏa thuận) và Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc vốn là những nơi Việt Nam có nhiều yêu cầu tương trợ nhưng ít nhận được phản hồi theo kênh ngoại giao, đến nay đã có nhiều kết quả.
Ngược lại, lượng phản hồi Việt Nam gửi cho các nước có UTTP về dân sự gửi đến cũng được cải thiện do có sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền và cán cán bộ đầu mối từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh tỉ lệ có phản hồi được cải thiện, về tổng thể thời gian thực hiện cũng đã ngày càng được rút ngắn hơn so với trước.
Năm 2014, thời gian trung bình các hồ sơ ủy thác tư pháp gửi đi có kết quả là 154 ngày, năm 2018 rút ngắn còn 87 ngày; thời gian trung bình hồ sơ ủy thác tư pháp đến có kết quả năm 2014 là 117 ngày, năm 2018 rút ngắn còn 71 ngày.
Công tác điều ước quốc tế đã thực sự có nhiều khởi sắc và mang lại ý nghĩa tích cực nhờ việc Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành đàm phán mới 5 điều ước quốc tế song phương và gia nhập 1 Công ước quốc tế đa phương. Đến nay, số Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam ký với nước ngoài là 17 Hiệp định song phương và 1 đa phương.
Trong đó, riêng với việc gia nhập Công ước tống đạt, hoạt động tống đạt giấy tờ trong công tác TTTP về dân sự đã có cơ sở để thực hiện với gần 80 quốc gia trên thế giới. Số yêu cầu TTTP trong năm 2019 của Việt Nam gửi ra nước ngoài chiếm hơn 90% là đến các nước có quan hệ điều ước quốc tế với Việt Nam.
Có thể nói, việc đàm phán, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực dân sự trong thời gian qua đặc biệt đối với các nước có nhiều công dân Việt Nam sinh sống là Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc… đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển các yêu cầu TTTP trong lĩnh vực dân sự của Việt Nam ra nước ngoài, hỗ trợ giải quyết có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến dân sự, thương mại và lao động, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân.
Gỡ vướng để tăng hiệu quả thực hiện
Hiện Việt Nam đã có 17 Hiệp định/thỏa thuận song phương với các nước/vùng lãnh thổ. Ngoài ra, trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam đã gia nhập Công ước tống đạt và chuẩn bị gia nhập Công ước thu thập chứng cứ.
Các điều ước quốc tế mới này có các yêu cầu mới về quy trình, thủ tục, hồ sơ so với quy định trong Luật TTTP hiện hành. Để áp dụng thuận lợi và thống nhất tiêu chuẩn mới được quy định tại các điều ước quốc tế, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và TAND Tối cao đã có giải pháp ban hành văn bản quy phạm pháp luật cấp thông tư liên tịch để thực hiện.
Bên cạnh đó, với số lượng lớn các yêu cầu TTTP thì Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, các tòa án và cơ quan thi hành án dân sự (cấp tỉnh, TP) trên toàn quốc đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện các quy định pháp luật trong nước cũng như các điều ước quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự.
Đặc biệt, để hướng dẫn áp dụng một số quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự của Luật TTTP, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TAND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch 12 năm 2016 thay thế Thông tư liên tịch số 15 năm 2011. Thông tư liên tịch 12 đã nội luật hóa Công ước Tống đạt, hướng dẫn chi tiết cách thức, thủ tục trình tự thực hiện hồ sơ UTTP về dân sự …
Bên cạnh đó, công tác thực hiện UTTP trong lĩnh vực dân sự vẫn còn những tồn tại hạn chế, như Luật TTTP chưa thực sự phù hợp, cồng kềnh, không có trọng tâm (do Luật TTTP điều chỉnh cả 4 lĩnh vực TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù); các quy định cụ thể của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều khoảng trống, bất cập và khó thực thi; thẩm quyền thực hiện tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của nước ngoài chưa đầy đủ và chưa có cơ chế cho xã hội hóa hoạt động việc tống đạt giấy tờ; chưa ứng dụng công nghệ thông tin triệt để trong việc số hóa, lưu giữ và tra cứu hồ sơ. Những hạn chế, tồn tại này làm giảm hiệu quả thực hiện TTTP, ảnh hưởng đến việc giải quyết các vụ việc dân sự, thi hành án có yếu tố nước ngoài.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề nghị xây dựng một đạo luật chuyên biệt về TTTP về dân sự, có phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh riêng, có nội dung đồng bộ, đầy đủ và toàn diện về TTTP dân sự. Đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền địa phương trong thực hiện các hoạt động UTTP.