Việt Nam còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả

(PLVN) - Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (Đại học Bách Khoa Hà Nội) tại Hội thảo tham vấn Xây dựng Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030, được tổ chức sáng 27/6. 
PGS.TS Phạm Hoàng Lương (áo đỏ) cùng đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng (ngồi giữa) và đại diện USAID tại hội thảo.

Sáng 27/6, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) tổ chức Hội thảo tham vấn “Xây dựng Chiến lược Truyền thông về Năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030”.

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (Đại học Bách Khoa Hà Nội) khẳng định, chuyển dịch năng lượng là xu hướng toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thông tin từ Hội thảo, hiện USAID thông qua Chương trình V-LEEP II đang hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng Việt Nam theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và dựa trên các nguyên tắc thị trường thông qua việc tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng.

Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế của ngành năng lượng, và một trong các nguyên nhân đó là “nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành năng lượng và mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn chưa đẩy đủ, chưa được quan tâm đúng mức”.

Là một phần trong gói hỗ trợ kỹ thuật của V-LEEP II, USAID đã và đang hỗ trợ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững triển khai nghiên cứu và đưa ra các kiến nghị cho dự thảo Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững, trên cơ sở rà soát và cập nhật các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng, tận dụng kinh nghiệm và kết quả cũng như khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai hoạt động truyền thông trong những năm qua.

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Văn Nguyên - tư vấn dự án V-LEEP II cũng đánh giá, nguồn năng lượng và phương thức biến đổi và sử dụng năng lượng được xem là bền vững nếu "đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai".

Ông Nguyên cho rằng, trong một hệ thống năng lượng, tính bền vững được thể hiện ở 3 khâu: Phân phối năng lượng bền vững; Sản xuất năng lượng bền vững và Tiêu thụ năng lượng bền vững.

Do đó, ông Nguyên đề xuất cần xác định rõ các nội dung, thông điệp ưu tiên phù hợp với mục tiêu từng giai đoạn để lên kế hoạch truyền thông; Cân đối trong các nội dung về tiêu thụ năng lượng bền vững, sản xuất năng lượng bền vững và phân phối năng lượng bền vững...

Đọc thêm