Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện 19 khuyến nghị
Thông tin tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Linh Kha cho biết, theo bảng phân công thực hiện khuyến nghị UPR do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, Bộ Tư pháp được giao chủ trì thực hiện 19 khuyến nghị. Nội dung các khuyến nghị chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nâng cao nhận thức về pháp luật, tăng cường hệ thống pháp luật và chính sách về quyền con người trên cơ sở Hiến pháp mới.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR nhằm đảm bảo thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 2 mà Bộ Tư pháp được giao chủ trì một cách đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả. Khi thực hiện Quyết định số 251 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát 172 luật/bộ luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quyền con người; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới 36 văn bản. Kết quả rà soát đã được sử dụng trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Về công tác xây dựng và ban hành các văn bản luật thuộc chức năng của Bộ Tư pháp có liên quan đến quyền con người, theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì soạn thảo 7/15 dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, trong đó có 6 dự án luật đến nay đã được Quốc hội thông qua như Luật Hộ tịch năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi 2017, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và cải cách hệ thống tư pháp hình sự để đảm bảo tốt hơn quyền con người, theo bà Kha, trên cơ sở chấp nhận thực hiện các khuyến nghị liên quan đến lĩnh vực pháp luật hình sự, Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan chủ trì xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chủ động nghiên cứu, rà soát cac khuyến nghị trong quá trình xây dựng Bộ luật này nhằm đảm bảo việc tuân thủ các cam kết quốc tế. Bộ luật Hình sự năm 2015 với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng như tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết.
Điều này thể hiện ở việc luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về án tử hình theo hướng hạn chế đến mức tối đa khả năng áp dụng hình phạt này; phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên; thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù; đưa ra nhiều nội dung lớn về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội phù hợp với tinh thần của Hiến pháp về bảo vệ quyền của trẻ em, với yêu cầu cải cách tư pháp cũng như tinh thần Công ước về quyền trẻ em.
Quyền con người ngày càng được đảm bảo
Phát biểu tại Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu khẳng định, là một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo cơ chế UPR. Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 2 tại phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc UPR 2 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc (LHQ) diễn ra năm 2014. Tại phiên họp, Việt Nam đã tiến hành đối thoại thẳng thắn và cởi mở với các quốc gia thành viên LHQ, cung cấp đầy đủ các thông tin về luật pháp, chính sách và thực tế về đảm bảo quyền con người tại Việt Nam. Cũng tại phiên họp này, Việt Nam đã nhận được 227 khuyến nghị từ 107 quốc gia và chấp thuận 182 khuyến nghị.
Thông tin về kết quả thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 2 mà Việt Nam chấp thuận tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao cho biết, tính từ tháng 6/2014 đến hết ngày 31/12/2016, trong số 182 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận, 147 khuyến nghị đã được triển khai thực hiện và 4 khuyến nghị được thực hiện một phần, đạt 80,7%. Trong đó, Việt Nam đã triển khai 17/23 khuyến nghị trong lĩnh vực cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; 7/7 khuyến nghị về việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người nói chung; 29/32 khuyến nghị về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; 26/36 khuyến nghị về quyền dân sự, chính trị…
Liên quan đến vấn đề gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã thực hiện được 10/19 khuyến nghị, 2 khuyến nghị được thực hiện một phần. Đến nay, Việt Nam chính thức là thành viên của 7/9 công ước chủ chốt của LHQ về quyền con người, chỉ còn 2 công ước chưa tham gia. Trong hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã thực hiện được 10/11 khuyến nghị. Việc thực hiện các khuyến nghị UPR được thể hiện rõ nét trên các mặt của đời sống xã hội, quyền con người ngày càng được đảm bảo và thúc đẩy, đời sống của người dân được nâng cao.