Chụp ảnh khách hàng đăng ký thông tin thuê bao di động: “Cái chuôi” của nhà quản lý?

(PLO) - Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), ảnh chụp người đến trực tiếp đăng ký thuê bao sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác mà cá nhân đó không biết. 
Đăng ký sim điện thoại di động tại một quầy giao dịch của VinaPhone trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Ảnh: Đ. Thanh
Đăng ký sim điện thoại di động tại một quầy giao dịch của VinaPhone trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Ảnh: Đ. Thanh

Vậy, chụp ảnh người đăng ký thuê bao phải chăng là “cái chuôi” của nhà quản lý, thay vì nâng cao năng lực làm việc của cán bộ giao dịch và tăng cường hậu kiểm của cơ quan chức năng?

Bổ sung ảnh chụp vào tất cả dữ liệu của khách hàng di động

Như báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân,  thuê bao (TB) cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ.

Nhà mạng sẽ phải thực hiện lấy những thông tin này đối với các TB đăng ký mới sau ngày 24/4/2017. Với các TB đã kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định này. 

Giải thích cho việc đưa yêu cầu chụp ảnh người đến giao dịch đăng ký thông tin thuê bao vào Nghị định 49/2017/NĐ-CP, Cục Viễn thông cho biết, ở nước ta những năm qua mặc dù đã có các qui định quản lý thông tin thuê bao rất chặt chẽ qui định tại Luật Viễn thông (2006) và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông, tuy nhiên tính đến đầu năm 2016 thì thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai.

Thông tin sai ở rất nhiều dạng khác nhau, từ tên tuổi ngày tháng năm sinh hoặc số chứng minh nhân dân sai, cho đến bản chụp chứng minh nhân dân giả và đặc biệt rất nhiều chứng minh nhân dân của người này được gán cho số điện thoại của người khác.

Vì thế, ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao. 

Có thực sự cần thiết?

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông - cho biết, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, xã hội thì trước tiên phải khẳng định rằng việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng qui định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, và bảo vệ quyền lợi mỗi người dân. 

Bà Lê Thị Ngọc Mơ dẫn chứng, trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều rất coi trọng và có những qui định quản lý nghiêm ngặt công tác quản lý thông tin thuê bao. Những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Đức, Nhật đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử, và mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này.

Ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Ả Rập Xê út, Bangladesh thì dưới sức ép của công cuộc chống khủng bố và bảo đảm an ninh quốc gia gần đây đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao. Hoặc Nigeria ngoài áp dụng hệ thống nhận diện vân tay thì cũng yêu cầu chụp ảnh các cá nhân đến đăng ký SIM. 

“Việc ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hoặc ảnh chụp như vậy là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật, bởi ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể làm giả, có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác mà vô cùng khó để kiểm soát” – bà Lê Thị Ngọc Mơ nhận định.

Hiện, các nhà mạng cũng đã từng bước triển khai thực hiện Nghị định 47/2017/NĐ-CP. Bên cạnh việc tuyên truyền các quy định pháp luật tới khách hàng, vận động khách hàng thực hiện để đảm bảo giữ chân thuê bao, thì các nhà mạng cũng đang phải dự tính những khoản đầu tư tiền tỷ để phục vụ yêu cầu này. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, hiện ngoài vận động khách hàng tại điểm giao dịch, chưa có nhà mạng nào có phương án cụ thể để bổ sung dữ liệu ảnh cho các thuê bao đang hoạt động, cũng như chưa có biện pháp cụ thể để xác định nếu để người dân tự gửi ảnh, thì ảnh đó có phải là ảnh của chính người gửi hay không...

“Khi chúng tôi đi đăng ký thông tin thuê bao, chúng tôi phải đến tận cửa hàng, nhân viên giao dịch cầm chứng minh nhân dân, xác định được người đến giao dịch là người trong giấy chứng minh đó, tức là chính chủ, mới thực hiện giao dịch. Trong giấy tờ tùy thân đó cũng có những đặc điểm của chúng tôi, như mô tả nhận dạng hoặc vân tay. Đó lại là giấy tờ tùy thân quan trọng, được Nhà nước công nhận và lưu trong dữ liệu cơ quan công an, thì phải là giấy tờ có giá trị pháp lý và hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước, chứ dữ liệu của doanh nghiệp thì có giá trị pháp lý cao thế không, hay chỉ có giá trị tham khảo. Tôi cảm thấy quy định này vừa phiền phức cho người dân vừa gây khó dễ cho hoạt động của doanh nghiệp” – anh Phạm Huy Thông, một người dân vừa rời khỏi phòng giao dịch của VinaPhone ở khu vực Hoàn Kiếm, chia sẻ.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ – Cục phó Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông):
Việc đăng ký một lần cho cả đời không phải là việc nặng nề

Theo cân nhắc của Ban soạn thảo Nghị định, so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì qui định chụp ảnh người đăng ký thuê bao tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều, vì việc đầu tư thiết bị và qui trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh. 

Từ góc độ doanh nghiệp, qui định này là hoàn toàn khả thi vì việc chụp ảnh rất dễ dàng, đơn giản và nhanh gọn, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, iPad, webcam, hoặc camera phù hợp.

Từ góc độ người dân, đây là một qui định mới mà có thể bước đầu một số người có thể phản ứng vì nói rằng có liên quan đến quyền riêng tư. Tuy nhiên trong thực tế, việc xuất trình CMTND để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát cũng đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận. Tất cả chỉ là thói quen và nếu được truyền thông tốt thì người dân sẽ  hợp tác. 

Ngoài ra khi Nghị định 49/2017/NĐ-CP với những qui định quản lý chặt chẽ và qui củ hơn trước được triển khai, cùng với việc kiểm soát tốt chính sách khuyến mại, thì đa phần người dân cũng chi mỗi người một SIM, và việc đăng ký một lần cho cả đời không phải là việc nặng nề. Số lượng thuê bao đăng ký lại chắc chắn không phải là 120 triệu thuê bao, vì trong số đó rất nhiều người sử dụng nhiều SIM chỉ bởi tận dụng các chương trình khuyến mại.  

Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội:

Cần hướng dẫn cụ thể để Nghị định 49/2017/NĐ-CP phát huy tính ưu việt

Hình ảnh cá nhân thuộc quyền nhân thân. Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý…”. Tuy nhiên, quyền này không phải tuyệt đối vì Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: “Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.” 

Nghị định 49/2017/NĐ-CP giao cho điểm cung cấp dịch vụ viễn thông chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu. Tuy nhiên, trong thực tiễn sẽ có những trường hợp những người thường xuyên đi công tác nước ngoài, người ốm đau, bệnh tật vẫn có nhu cầu sử dụng thuê bao di động nhưng không thể tự mình đi lại, hoặc không thể tự mình đến làm thủ tục thì phải giải quyết như thế nào. Liệu cá nhân ở nhà tự chụp ảnh chân dung và ủy quyền cho người khác đến làm thủ tục có được không?. Cá nhân tự gửi ảnh chân dung của mình đến email của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có được chấp nhận không?. Vì vậy, trong thời gian tới, có lẽ cần có thêm nhiều quy định chi tiết, cụ thể hơn để Nghị định 49/2017/NĐ-CP phát huy hơn nữa tính ưu việt của nó.

Đọc thêm