Việt Nam đang đối mặt với bệnh thận mạn tính

(PLO) - Trước nhu cầu bức xúc của việc hiến ghép tạng, tiếp theo khóa tập huấn về chẩn đoán và xác định bệnh nhân (BN) chết não, Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn (Hà Nội) vừa phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức khóa tập huấn về các kỹ năng theo dõi, chăm sóc và quản lý BN sau ghép tạng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
 Ảnh minh họa. Nguồn internet
Đối tượng của khóa tập huấn lần này bao gồm: Đại diện của 12 cơ sở đã triển khai kỹ thuật ghép tạng (BV Việt Đức, BV Nhi Trung ương, BV 103, BV Chợ Rẫy…); Sở Y tế Hà Nội; đại diện một số khoa, phòng liên quan của BV Bạch Mai và một số bác sỹ, điều dưỡng viên của 80 BV đa khoa Trung ương và địa phương. 
Khóa tập huấn tập trung vào các nội dung quan trọng như: Các chỉ định ghép thận; đại cương về thuốc ức chế miễn dịch; các biến chứng của ghép thận; điều trị và theo dõi sau ghép thận; quy trình chăm sóc sau ghép thận giai đoạn hậu phẫu và điều trị thay thế thận cho BN sau ghép có rối loạn chức năng thận ghép. 
Ngoài phần lý thuyết, các học viên đã được đi thực tế, tham quan các mô hình điều trị hậu phẫu sau ghép; đơn vị lọc máu, khâu khám và theo dõi đối với BN nội và ngoại trú tại 02 cơ sở BV Thanh Nhàn và BV Việt Đức. 
Theo PGS. TS Hà Phan Hải An (BV Việt Đức), bệnh thận mạn tính hiện nay đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Tần suất mắc mới bệnh thận mạn tính có xu hướng gia tăng trong nhóm người cao tuổi. Trong khi đó, Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số vào loại nhanh của khu vực và thế giới. Thực tế, nhu cầu lọc máu của chúng ta vẫn chưa được đáp ứng do cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu.