Việt Nam - điểm đến yêu thích của dòng vốn Nhật

(PLVN) - Gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam là tín hiệu lạc quan để Việt Nam tiếp tục chinh phục dòng vốn chất lượng cao đến từ thị trường khó tính này. 

Liên tiếp 3 năm thiết lập kỷ lục mới về nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn  giải ngân đạt hơn 50 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

FDI lập kỷ lục mới

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ tính trong 3 năm gần đây, số vốn giải ngân FDI liên tiếp đạt mốc tăng trưởng ấn tượng: 15,8 tỷ USD – năm 2016; 17,5 tỷ USD – năm 2017 và cán mốc 19,1 tỷ USD năm 2018.

Tiếp đà tăng trưởng, thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 vừa thiết lập kỉ lục mới so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây. Tính đến 20/5/2019, tổng vốn FDI đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Có 19 ngành và lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và rót vốn đầu tư, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ 2 là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản và lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ 3.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các dòng vốn ngoại (Nguồn ảnh: Internet)
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các dòng vốn ngoại (Nguồn ảnh: Internet)

Đến nay, tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam đã lên tới con số 131, cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam đang ngày càng mở rộng. Trong đó, top các nhà đầu tư đứng đầu về vốn FDI vào Việt Nam lần lượt là: Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước EU.

Trong ấn phẩm Sách Trắng lần thứ 11 vừa công bố đầu năm 2019, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam quý IV/2018 đạt 84/100, mức cao nhất kể từ cuối năm 2016.

Theo Forbes, có nhiều lý do để có cái nhìn tích cực về dài hạn đối với triển vọng kinh tế Việt Nam, đó là việc thống nhất về tầm nhìn phát triển kinh tế, lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh với sức chi tiêu lớn chưa từng có. Điều này đã thúc đẩy dòng vốn FDI tăng kỷ lục - phần lớn từ các nền kinh tế châu Á phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Thị trường tiềm năng của nhà đầu tư Nhật

Trong số những quốc gia đang có dự án tại Việt Nam, Nhật Bản được xem là một trong số những nhà đầu tư lớn nhất. Liên tiếp 2 năm 2017 và 2018, Nhật Bản giữ vị trí quán quân với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn FDI. Năm 2019, nguồn vốn FDI từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm đã đạt mức 614,7 triệu USD.

Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố gần đây tại Hà Nội cho hay có tới gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đạt tỷ lệ cao nhất trong các nước là đối tượng khảo sát. Tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ là 48,7%, Malaysia 54,0% và Thái Lan là 52.2%. 

Lý giải về kết quả này, ông Hironubu Kitagawa – Trưởng đại diện JETRO Hà Nội khẳng định, các thủ tục hành chính tại Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt. Một trong những động lực để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư là do: doanh thu tăng, tiềm năng và tính tăng trưởng cao.

Đặc biệt, doanh nghiệp Nhật nhìn thấy nhiều dư địa phát triển của thị trường Việt Nam ở những lĩnh vực như bất động sản, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tư vấn, công nghệ thông tin. Năng lực sản xuất và cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đang được cải thiện để tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có xu hướng đầu tư ở các địa phương nhiều hơn, ông Hironobu Kitagawa nhận định.

Lựa chọn kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ có thể tận dụng thị trường tiêu thụ tới hơn 90 triệu dân mà còn có cơ hội mở rộng kinh doanh sang cả những nước láng giềng như Lào, Campuchia và Myanmar.

Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang sẵn sàng có những kế hoạch “Nhật tiến” nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến sự hợp tác lâu dài. Có thể kể đến những cái tên như FPT, An Phước, Tinh Vân… và sắp tới đây là Tập đoàn FLC cũng đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật với một hội thảo quy mô nhằm chia sẻ các thông tin và cơ hội hợp tác trong bất động sản, hàng không, du lịch – nghỉ dưỡng – golf, nông nghiệp công nghệ cao...

Sự kiện dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7/2019, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo đại diện cơ quan ngoại giao, các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư… cùng nhiều đơn vị thông tấn báo chí trong và ngoài nước. 

Đọc thêm