Động lực tăng trưởng được bảo tồn
|
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam |
Bất chấp những gam mầu tối do đại dịch Covid-19 và gần đây là thiên tai lũ lụt, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng.
Thành công y tế của Việt Nam là điểm sáng nổi bật năm 2020. Mức độ tăng trưởng dương của Việt Nam trong năm 2020 cũng như khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch phần nhiều là do sự thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh. Việc sớm khống chế được đại dịch, nhanh chóng kiểm soát sự bùng phát lần thứ hai vào tháng 7/2020, đã tạo đà cho phục hồi kinh tế, bảo tồn được động lực tăng trưởng, kịp thời ngăn chặn khủng hoảng y tế có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế. Do vậy, phần lớn các đánh giá kinh tế đều cho rằng, khả năng phục hồi kinh tế Việt Nam sẽ theo kịch bản tích cực năm 2021.
Chúng ta đã được chứng kiến hồi tháng 5,6/2020 về sự bật tăng trở lại của du lịch nội địa. Nhiều đường bay nội địa tăng 20% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi chững lại do sự bùng phát vào tháng 7, du lịch nội địa đang dần lấy đà lại.
Bên cạnh đó, là điểm sáng xuất khẩu của Việt Nam, với thặng dư thương mại ấn tượng. Các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP, và gần đây là RCEP đã và sẽ là những kênh truyền dẫn quan trọng để Việt Nam có thể tối đa hóa các lợi ích từ sự dịch chuyển và cơ cấu lại các chuỗi cung ứng, dòng chu chuyển thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như khu vực.
Đáng nói, trong bối cảnh đầu tư tư nhân, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, thì đầu tư công năm qua cũng là một điểm nhấn, có vai trò rất quan trọng.
Cuối cùng, phải nói đến sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam. Bất chấp những tác động nặng nề của đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã biến thách thức thành cơ hội. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp vươn vào sản xuất những linh kiện phụ tùng mà trước đây phải nhập khẩu từ bên ngoài…
Để có thể củng cố quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hẹp bất bình đẳng xã hội, và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây cũng là những lĩnh vực mà ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam phù hợp với những ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Trong những ưu tiên chiến lược đã nêu trên, theo tôi, quan trọng nhất vẫn là tính hiệu quả của thể chế. Tăng cường hiệu quả thể chế là tiền đề hỗ trợ cho tái cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế Nhà nước, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Khi thể chế được tăng cường theo hướng hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt để cho doanh nghiệp phát triển, tạo điều kiện cho áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, từ đó nâng cao năng suất lao động. Một thể chế hiệu quả cũng sẽ thu hút được nhiều hơn nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng và ứng phó biến đối khí hậu.
Không phải người Việt nhưng vẫn thấy tự hào
|
TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam |
Việt Nam đang và sẽ làm rất tốt! Bởi Việt Nam có khả năng cao trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới nhờ những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Dù tình hình hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố bất định, nhưng tôi tin rằng sang năm 2021, Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn. WB kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vắc xin đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% vào năm 2021.
Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội từ cuộc khủng hoảng. Điển hình như việc thương mại toàn cầu năm nay đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu. Ngoài ra, công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam trước đây được cho là chưa hiệu quả, nhưng từ khi khủng hoảng đại dịch Covid-19 diễn ra, 2/3 doanh nghiệp tại Việt Nam đã chuyển hướng sang áp dụng nền tảng số. Đây là nguồn sức mạnh mới của Việt Nam bởi không chỉ lực lượng tư nhân mà cả Chính phủ cũng rất tích cực trong công cuộc chuyển đổi số này, điển hình như việc xây dựng và áp dụng Chính phủ điện tử. Tuy còn rất nhiều việc phải làm nhưng những nỗ lực trong thời gian qua đã chứng minh sự thích ứng nhanh của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Những kết quả vừa qua của Việt Nam thực sự rất đáng tự hào. Bản thân tôi không phải là người Việt, nhưng tôi vẫn cảm thấy tự hào! Thậm chí, truyền thông quốc tế đã đến và đưa tin về những thành tựu Việt Nam đạt được. Chính phủ đã làm rất tốt vai trò của mình!
Cải thiện hạ tầng “cứng” để thu hút FDI
Theo đại diện của ADB, Việt Nam nên hạn chế thu hút FDI qua các ưu đãi vì sẽ tạo điều kiện cho chuyển giá, thất thoát ngân sách. Thay vào đó, Việt Nam cần quan tâm hơn chất lượng của cơ sở hạ tầng “cứng” như hệ thống giao thông, cảng biển, hàng không, logistics, kho bãi...
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường cơ sở hạ tầng “mềm” như thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực quản lý... Về cơ sở hạ tầng “cứng”, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn rất cao, khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc vì sẽ bị đội vốn. Cơ sở hạ tầng “mềm” của Việt Nam cũng cần phải có nhiều cải thiện, cho dù đã có những tiến bộ đáng kể trong giai đoạn qua.