Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn
Trong hai ngày 25 và 26/3/2019, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York và thủ đô Washington của Hoa Kỳ sẽ diễn ra hai cuộc hội thảo về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam do Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban chỉ đạo 701) phối hợp với một số cơ quan của LHQ và Hoa Kỳ tổ chức.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 701, chỉ ước tính trong giai đoạn từ năm 1964 đến 1975, Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Đến nay, số lượng bom đạn đã sử dụng còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam lên tới hàng trăm nghìn tấn. Tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc còn 9.116 xã bị ô nhiễm bom mìn vật nổ (BMVN) ở các mức độ khác nhau, chiếm 81,87% tổng số xã trên toàn quốc. Tổng diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm BMVN tính đến thời điểm tháng 12/2017 là hơn 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích cả nước.
Về nạn nhân bom mìn, theo số liệu của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, chỉ tính từ năm 1975 đến năm 2002, số người bị tai nạn do bom mìn là 105.298 người, trong đó chết 42.135 người (30% là trẻ em), bị thương 62.163 người. 49 trong số 63 tỉnh, thành phố có tai nạn do BMVN gây ra. Còn trong giai đoạn 5 năm gần đây, số người chết và bị thương do tai nạn BMVN là 1.800 trường hợp.
Trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, tháng 4/2010, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025. Trong giai đoạn 2016-2018, gần 3.000 dự án rà phá BMVN được thực hiện trên diện tích hơn 90 nghìn ha với tổng chi phí khoảng 2.840 tỷ đồng.
Thời gian qua, Chính phủ nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã chung tay góp sức đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn. Những đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực này là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh và một số tổ chức như: Nhóm cố vấn mìn (MAG), Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại Việt Nam, Trung tâm Rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế Geneve (GICHD).
Từ năm 2009 đến nay, Nhật Bản đã hỗ trợ khoảng 5,5 triệu USD để thực hiện hai dự án rà phá bom mìn. Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam qua các giai đoạn. Trong đó, từ năm 2003 đến 2013, hỗ trợ kinh phí trị giá khoảng 14,5 triệu USD. Chính phủ Hàn Quốc viện trợ 20 triệu USD để thực hiện Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại hai tỉnh Quảng Trị và Bình Định”.
Giảm bớt nỗi đau da cam
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống gần 26.000 thôn, bản miền Nam Việt Nam với diện tích khoảng 3,06 triệu héc-ta.
Trong số này có 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin. 3 điểm ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin nặng nhất là sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát. Đây là những căn cứ quân sự cũ mà quân đội Mỹ sử dụng trong các chiến dịch Ranch Hand và Pacer Ivy.
Đối với con người, khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hiện nay, trên toàn lãnh thổ Việt Nam ghi nhận hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Tại sân bay Đà Nẵng, trong giai đoạn 2012-2018, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ hoàn thành xử lý 90.000m3 bùn, đất nhiễm dioxin, cô lập an toàn khoảng 50.000m3 bùn đất dưới ngưỡng cần xử lý.
Tổng số vốn đầu tư cho dự án này là 110 triệu USD của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng 60 tỷ đồng của Chính phủ Việt Nam. Kết thúc dự án, tháng 11/2018, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã bàn giao 32,4ha đất sau xử lý để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng. Đây là một trong những điểm sáng trong quá trình xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam.
Tại sân bay Biên Hòa, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành cô lập khoảng 150.000m3 đất nhiễm độc hóa học/dioxin theo hai giai đoạn (2006-2010 và 2014-2017), tổng số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2019, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa với số kinh phí bảo đảm 270 tỷ đồng.
Năm 2018, Cục Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân đã ký kết các văn bản hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ về xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 2018-2023 với tổng số vốn ODA không hoàn lại mà Hoa Kỳ cam kết tài trợ là 183 triệu USD.
Theo Cục Người có công thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2018, khoảng 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ được xem xét xác nhận bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có khoảng 159.000 người đã được hưởng chế độ ưu đãi.
Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng, những người này và con đẻ còn được bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, ưu tiên trong tuyển sinh tạo việc làm, ưu đãi trong giáo dục đào tạo.