Những hoạt động đi vào lòng người
Tại Phái bộ an ninh lâm thời của Liên hợp quốc (LHQ) ở khu vực Abyei (UNISFA), các thành viên lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) phải chia ca, thay nhau sử dụng internet. Tình hình an ninh bất ổn, điều kiện sống, cơ sở vật chất còn khó khăn, nhưng như các thành viên lực lượng GGHB khác, Thiếu tá chuyên nghiệp Vũ Anh Đức, y sỹ của Bệnh viện dã chiến cấp 1, Đội Công binh số 2 ở Abyei luôn nỗ lực bảo đảm tính chuyên nghiệp trong công tác. Anh cũng rất tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo của đơn vị, như tham gia chương trình của Đội Công binh số 2 phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khám bệnh, phát thuốc ở trung tâm Abyei.
Khi Đội Công binh tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để san gạt, lu nền sân cho Trường cấp 2 Comboni, các thành viên mũ nồi xanh Việt Nam cũng nhiệt tình tham gia. Đội cũng cử lực lượng khảo sát, sửa chữa, làm đường cho các khu hành chính và khu dân cư; hỗ trợ sửa thuyền cho người dân làng Mijak tại Abyei. Mỗi hoạt động của họ đều được người dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Chính những dự án nhân đạo thiết thực của đơn vị đã góp phần tạo nên dấu ấn và thương hiệu riêng để Đội Công binh Việt Nam trở thành “những người bạn” được người dân địa phương ở Abyei yêu mến.
Lần thứ 2 tham gia phục vụ nhiệm vụ GGHB nhưng Vũ Anh Đức cho biết vẫn không khỏi xúc động trước tình cảm đặc biệt mà người dân ở khu vực Abyei dành cho lực lượng mũ nồi xanh của Việt Nam. Trước đó, Đội Công binh số 1 lần đầu tiên triển khai ở Abyei đã “mở đường” cho hàng loạt hoạt động nhân đạo ở khu vực, mà về sau được chỉ huy Phái bộ đánh giá là “làm thay đổi diện mạo ở Abyei”. Kế thừa truyền thống và kinh nghiệm của Đội Công binh số 1, đến nay, Đội Công binh số 2 tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gìn giữ và lan tỏa hơn những ấn tượng tốt đẹp của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam trong lòng người dân địa phương và đồng nghiệp quốc tế.
Thiếu tá Nguyễn Mậu Vũ, Chính trị viên Đội Công binh số 2 khẳng định, tất cả các hoạt động đó thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của đội quân “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và tinh thần “Giúp bạn là tự giúp mình”, hơn ai hết của lực lượng GGHB Việt Nam. “Thấu hiểu rõ điều đó nên quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ, chúng tôi luôn coi trọng tổ chức các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương tối đa trong khả năng của mình”, Thiếu tá Nguyễn Mậu Vũ cho hay.
Thành quả sau 10 năm
|
Hoạt động khám bệnh nhân đạo cho người dân ở Abyei. |
Trên cơ sở dự báo chính xác xu thế hội nhập quốc tế và để tạo tiền đề, động lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Việt Nam đã chủ trương tham gia hoạt động GGHB LHQ. Năm 1993, Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động này và đến năm 2005 đã có các hoạt động để chuẩn bị triển khai lực lượng. Năm 2013, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ. Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án QĐND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo.
10 năm tham gia lực lượng GGHB, đến nay, lực lượng GGHB Việt Nam đã ngày càng phát triển và lớn mạnh. Tổng cộng, Việt Nam đã cử 799 lượt cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng Quân đội và Công an triển khai theo hình thức cá nhân và đơn vị tại 3 phái bộ và Trụ sở LHQ (trong đó có 792 lượt cán bộ Quân đội và 7 lượt cán bộ Công an). Trong tổng số 83 sĩ quan GGHB đã kết thúc nhiệm kỳ về nước, có 25 người được LHQ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tặng thưởng Bằng khen, chiếm tỷ lệ gần 30%.
Theo ghi nhận của Bộ Quốc phòng, số lượng cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Việt Nam cao hơn nhiều so mặt bằng chung của LHQ và các quốc gia cử quân khác. Chỉ huy các phái bộ và các cơ quan của LHQ cũng đánh giá, các sĩ quan Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, thể hiện sự chuyên nghiệp, sáng tạo, kỷ luật cao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với lãnh đạo các phái bộ cũng như bạn bè và đồng nghiệp quốc tế thông qua những đóng góp cụ thể, thiết thực, mang tính nhân văn. Qua đó, góp phần khẳng định nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đóng góp vào xây dựng nền hòa bình, an ninh toàn cầu.
Mới đây nhất, hôm 10/4, tại căn cứ của LHQ ở UN House, Thủ đô Juba, Tư lệnh Cảnh sát Phái bộ UNMISS Christine Fossen cũng đã trao Bằng khen, Giấy khen tặng 3 sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam. Tại buổi lễ, bà Christen Fossen ghi nhận 3 sĩ quan Việt Nam đã thể hiện sự mẫu mực trong quá trình thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao; khẳng định các sĩ quan Việt Nam luôn trách nhiệm, chuyên nghiệp và có năng lực chuyên môn cao.
Bà Christine Fossen nhận xét, các sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam luôn thân thiện, hòa đồng và thể hiện nguồn năng lượng tích cực đến mọi người chung quanh. Cá nhân bà rất ấn tượng với Tổ công tác của Bộ Công an Việt Nam khi thể hiện tốt vai trò ở nhiều khía cạnh ngoài công việc, trong đó có việc quảng bá văn hóa truyền thống, tinh thần đoàn kết vì hòa bình đến bạn bè quốc tế.
Nỗ lực đóng góp vào nền hòa bình, an ninh toàn cầu
|
Hoạt động khám chữa bệnh ở Abyei. |
Theo đánh giá của các phái bộ và cơ quan LHQ, các sĩ quan Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các phái bộ, thể hiện sự chuyên nghiệp, kỷ luật cao; để lại nhiều ấn tượng rất tốt với lãnh đạo các phái bộ, chỉ huy lực lượng quân sự và đồng nghiệp quốc tế bằng những đóng góp cụ thể, thiết thực, mang tính nhân văn cao.
Phó Tổng Thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix từng khẳng định, các hoạt động mang tính toàn diện mà các đội hình đơn vị GGHB LHQ của Việt Nam, bao gồm cả Đội Công binh tại Phái bộ UNISFA ở Abyei và Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ UNMISS, là mô hình đáp ứng toàn diện nhất kỳ vọng của LHQ. Tháng 9/2023, Đại tướng Birame Diop, Cố vấn Quân sự LHQ trong chương trình thăm Đội Công binh số 2 tại Phái bộ UNISFA cũng đã đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ người dân địa phương của Đội Công binh Việt Nam như xây dựng các phòng học, sửa bàn ghế, dạy học, chiếu phim cho trẻ em, chống ngập lụt, làm thuyền, hướng dẫn làm nông nghiệp, khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân…
Tại cuộc gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 10/2022, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và đa dạng, từ việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đóng góp vào các hoạt động GGHB của LHQ, là sứ giả của hòa bình, là một quốc gia luôn phấn đấu vì sự đoàn kết. Việt Nam cũng luôn thể hiện lập trường nguyên tắc trên những vấn đề về bảo vệ hòa bình, phát triển bền vững, đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, nhất là những nguyên tắc cơ bản nhất. Việt Nam cũng tích cực hợp tác cùng LHQ và các đối tác quốc tế ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt.
Trong chuyến thăm, Tổng Thư ký LHQ António Guterres khẳng định, mục tiêu cao nhất của hoạt động GGHB LHQ là xây dựng lòng tin và các quân nhân Việt Nam đã làm được điều đó. Phát biểu này cùng tình cảm của người dân địa phương, bạn bè quốc tế dành cho những người lính mũ nồi xanh Việt Nam chính là lời khẳng định, sự ghi nhận rõ ràng về một Việt Nam trách nhiệm, đóng góp tích cực đối với hòa bình, an ninh thế giới, sáng ngời tinh thần đoàn kết quốc tế để cùng chung tay giữ vững giá trị của hòa bình.
Theo Đại sứ, TS. Lê Thị Tuyết Mai, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ khẳng định, với hoạt động đối ngoại tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm, tham gia giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hoà hiếu và nhân văn của Việt Nam đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đồng thời tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu thông qua đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Các nước và đại diện các tổ chức quốc tế đều ghi nhận và khuyến khích Việt Nam vươn lên đóng vai trò cầu nối, hòa giải, tích cực đảm nhận một số vị trí chủ trì, điều phối các phiên họp, khóa họp của các tổ chức đa phương.