Du khách quốc tế được mong mỏi khắp thế giới
Khởi đầu năm 2021, nước Anh được gọi tên là “Đảo dịch bệnh” của châu Âu nhưng điều này đã thay đổi sau khi Chính phủ bắt đầu thực hiện tiêm vaccine cho khoảng hơn 30% người Anh ở độ tuổi trưởng thành. Phản hồi với động thái này, các quốc gia trong châu Âu cho biết sẵn sàng chào đón du khách từ Anh trở lại trong các tour tuyến vào mùa hè tới.
Đơn cử, chính quyền đảo Síp cho biết sẽ mở cửa với du khách Anh đã tiêm vaccine từ ngày 1/5. Chính quyền Hy Lạp “chốt lịch” vào ngày 14/5; theo đó bất kỳ ai đã tiêm phòng vaccine, xuất trình giấy tờ chứng thực hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19, cũng sẽ được chào đón vào đất nước này. Mặt khác, cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều cho biết sẽ chào đón khách Anh bay đến sau khi đã đảm bảo an toàn sức khoẻ.
Chính phủ nước Anh vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân không nên đặt chuyến đi ra nước ngoài sớm trước ngày 17/5. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hãng lữ hành, công ty du lịch cũng như du khách, đều “nóng lòng” chuẩn bị sớm cho những chuyến đi du lịch quốc tế sau khi có thông báo mở cửa biên giới.
Cụ thể, TUI – Công ty du lịch lớn nhất tại Anh đã ghi nhận lượng đặt phòng tăng 500% ngay sau khi Thủ tướng thông báo lộ trình nới lỏng phong toả vào tháng 2/2021. Còn hãng lữ hành Thomas Cook cho biết số lượng người dân Anh đặt tour tới đảo Síp tăng 25% khi đảo quốc này công bố kế hoạch đón du khách đã tiêm vaccine.
Đáng nói, du khách Anh không phải là những du khách quốc tế duy nhất được chào đón. Nhiều quốc gia cho biết, ngoài những du khách đã tiêm phòng, họ muốn chào đón tất cả du khách có kết quả âm tính với Covid-19 hoặc có bằng chứng xác minh mình không nhiễm bệnh, du khách đến từ các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng toàn diện và kiểm soát dịch tốt.
Mới đây, Trung tâm Du lịch Bồ Đào Nha (Vistit Portugal) đã công bố phản hồi của rất nhiều du khách quốc tế “nóng lòng” được đến tham quan nước này. Quốc gia này đã bắt đầu chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với “làn sóng” hồi sinh du lịch quốc tế trong phạm vi châu Âu, thậm chí trên toàn cầu. Cụ thể, Chính phủ Bồ Đào Nha đã cấp tem “Sạch sẽ và An toàn” cho gần 22.000 cơ sở bao gồm khách sạn, nhà hàng, quán bar và bảo tàng tuân thủ các hướng dẫn nghiêm ngặt về sức khỏe.
Thêm vào đó, hơn 25.000 người đã được đào tạo vào năm 2020 và khoảng với hơn 12.000 người được đào tạo trong năm 2021 để phục vụ du khách quốc tế trở lại.
Còn tại châu Á, có thể kể tới các nỗ lực của quốc đảo Singapore để mở cửa biên giới, hồi sinh hàng không và du lịch quốc tế. Đó là việc ban hành chính sách “Thẻ thông hành hàng không” cho phép du khách từ các quốc gia an toàn có thể nhập cảnh với mục đích du lịch – giải trí trong ngắn hạn mà không cần cách ly tại nhà.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Ong Ye Kung cũng cho biết, hành lang du lịch hai chiều (bong bóng du lịch) cho du khách đã tiêm vaccine đến từ các vùng có tỉ lệ lây nhiễm thấp đến trung bình có thể sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2021.
Đến nay, Singapore đã đơn phương mở biên giới cho du khách từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có khả năng kiểm soát Covid-19 như: Australia, New Zealand, Trung Quốc... và không gây ra lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, quốc đảo này cũng đang chờ phản hồi từ các quốc gia còn lại để thực hiện hành lang du lịch hai chiều an toàn.
Có thể thấy, khi vaccine đang khiến du lịch quốc tế có cơ hội được “hồi sinh”, nhiều quốc gia đã chuẩn bị cơ chế, sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng, nhân sự lao động để “đón đầu” xu hướng này. Dù vậy, việc mở cửa vẫn được triển khai sát sao với các chính sách kịp thời nhằm giữ an toàn như xét nghiệm, hạn chế đi lại và xác định các quốc gia “an toàn” đã kiểm soát thành công dịch bệnh.
Du lịch Việt Nam không thể “lép vế”
Trước làn sóng “hồi sinh” du lịch quốc tế, nhiều chuyên gia tại Việt Nam cho rằng, cần áp dụng mở cửa thị trường du lịch quốc tế trước khi hết dịch Covid-19 đối với khách đã có chứng chỉ tiêm vaccine phòng bệnh. Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị, có thể bắt đầu đón khách quốc tế từ đầu tháng 7/2021.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang bàn với Hiệp hội Du lịch Việt Nam để từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế với từng nhóm khách, quốc gia cụ thể bằng những tiêu chí rõ ràng, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Theo đó, một số tỉnh, thành cũng đã và đang chuẩn bị để chào đón khách quốc tế. UBND tỉnh Khánh Hoà mới đây đã công bố kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, trong đó vẫn xác định khách nội địa là thị trường chính nhưng sẽ hướng tới đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2021.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, để thực hiện mục tiêu này, từ tháng 4/2021, Sở Du lịch sẽ phối hợp Công ty Travel Shop Việt Nam tổ chức Phiên chợ du lịch quốc tế trực tuyến định kỳ hàng tháng nhằm quảng bá du lịch Khánh Hòa và tạo cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận, trao đổi hợp tác với các doanh du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã được Tổ chức Hội đồng sân bay quốc tế (ACI) cấp chứng nhận sân bay an toàn y tế, hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện khôi phục khai thác các chuyến bay quốc tế. Nhiều hãng hàng không và các công ty lữ hành quốc tế đã đặt kế hoạch đưa du khách tới Khánh Hòa khi dịch bệnh được kiểm soát, từ những thị trường như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ma Cao, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Ấn Độ…
Quả thực, du lịch quốc tế tái khởi động là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành du lịch toàn cầu trong thời gian tới. Không thể bị “lép vế”, ngành du lịch Việt Nam cũng cần chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng “làn sóng” này. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng và cơ sở hạ tầng du lịch, đảm bảo an toàn, quảng bá hiệu quả, ngành du lịch Việt Nam cần có nhiều sản phẩm liên kết vùng miền, tour tuyến để tạo bản sắc, tăng sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.