Việt Nam lần đầu tổ chức Diễn đàn giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu

(PLVN) - Sáng nay (2/7), Diễn đàn Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững và Công dân Toàn cầu của UNESCO năm 2019 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Giáo dục là con đường dẫn đến sự thay đổi".

Diễn đàn do UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức, với sự đồng hỗ trợ của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) của Nhật Bản thông qua Quỹ tín thác Nhật Bản UNESCO dành cho Chương trình Hành động toàn cầu Giáo dục vì Sự phát triển bền vững và Trung tâm Giáo dục vì Sự hiểu biết quốc tế châu Á - Thái bình dương (APCEIU).

Giáo dục là giải pháp hướng tới phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Diễn đàn được tổ chức để thảo luận và tìm giải pháp thiết thực cho giáo dục vì một thế giới bền vững. 

“Trong 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng hơn gấp đôi. Vậy, làm thế nào để phát triển kinh tế xã hội có thể thỏa mãn nhu cầu của chúng ta mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai? Đó là câu hỏi mà tất cả chúng ta cần phải trả lời”, ông đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng tới sự phát triển bền vững không thể đạt được chỉ bằng các thỏa thuận chính trị, giải pháp tài chính hoặc công nghệ. Những gì chúng ta cần làm là thay đổi các giá trị và hành vi của cộng đồng, giúp họ lựa chọn một cách sống bền vững hơn. 

“Giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi. Giáo dục để đảm bảo người dân biết đâu là lựa chọn đúng đắn, đồng thời giúp họ có thông tin và kỹ năng để làm theo lựa chọn đúng đắn đó”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau một thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của LHQ từ năm 2005 đến 2014, ngày nay, giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) là trung tâm của Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Những gì chúng ta đã làm được là đáng kể nhưng vẫn chỉ là khởi đầu nhằm tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và tầm nhìn dài hơn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chào đón và trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn 

Trong giai đoạn tiếp theo, mỗi học sinh cần phải được học về sự phát triển bền vững từ các giáo viên được đào tạo cơ bản, thông qua các các chương trình giáo dục và nguồn lực đầu tư phù hợp. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chúng ta không thể nhanh chóng đưa ra các giải pháp tối ưu nhưng việc đưa ra các cam kết và mục tiêu đúng đắn sẽ giúp chúng ta đi được đúng hướng.

Đại diện các đơn vị tổ chức tại Diễn đàn.

Lấy Việt Nam làm ví dụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, từ năm 2013, Việt Nam đang tiến hành cải cách giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Một trong những cột mốc quan trọng là chương trình giáo dục phổ thông quốc gia được phê duyệt vào tháng 12/2018. Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực của người học hướng tới việc giúp cho học sinh có được những kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. 

“Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tích hợp phát triển bền vững vào giáo dục mà còn huy động giáo dục như một phương tiện thực hiện toàn diện cho tất cả các mục tiêu phát triển bền vững”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin với các đại biểu dự Diễn đàn.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vẫn còn nhiều câu hỏi mà Việt Nam phải đối mặt trong việc triển khai chương trình này, như làm thế nào giáo dục tiếp cận và phục vụ tất cả mọi người, làm thế nào để cập nhật chương trình giảng dạy và các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, làm thế nào để biến việc học tập thành một hành trình suốt đời…

“Trong diễn đàn này, những việc chúng ta đang làm trong giáo dục vì sự phát triển bền vững sẽ là một câu trả lời cho những vấn đề trên. Dựa trên hàng ngàn giờ kinh nghiệm trực tiếp triển khai, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong giáo dục, chúng ta sẽ cùng nhau xác định các hành động cần thiết để biến các mục tiêu của phát triển bền vững thành hiện thực”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ tin tưởng rằng Diễn đàn lần này sẽ là nơi chia sẻ nhiều kinh nghiệm và sáng kiến, mở ra những hiểu biết, cách tiếp cận mới và mở rộng các mối quan hệ giữa các bên.

Hoạt động quan trọng

Tại cuộc họp báo trước Diễn đàn, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam - cho biết UNESCO tổ chức diễn đàn lần này với sứ mệnh là cơ quan hoạt động, hỗ trợ nhiều chương trình giáo dục. “Là cơ quan đang dẫn đầu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 4, giáo dục vì sự phát triển bền vững, UNESCO đang đặt các mục tiêu là xây dựng và gắn giáo dục với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước”, ông Croft nói.

Theo ông Croft, Diễn đàn Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững và Công dân Toàn cầu của UNESCO sẽ tập trung bàn thảo cách thức giáo dục giúp xây dựng xã hội bền vững, hòa bình. “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, trong khi những hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính hiện nay dường như chưa đủ để có thể giúp xây dựng một xã hội bền vững, xã hội hòa bình. Nhìn từ góc độ giáo dục, chúng ta sẽ tính đến cách để trong tương lai chúng ta thay đổi suy nghĩa, thay đổi hành vi để xây dựng một xã hội bền vững, hòa bình hơn”, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam thông tin.

Ông Croft cho rằng phát triển bền vững có nghĩa là chúng ta chung sống hòa thuận với nhau, chung sống hài hòa với thiên nhiên. Như vậy, các chủ đề về giáo dục vì sự phát triển bền vững cũng như giáo dục công dân toàn cầu đều hướng tới 2 khía cạnh này. “Giáo dục vì sự phát triển bền vững sẽ giúp chúng ta có những cách nhìn để làm sao chung sống hài hòa với hành tinh này còn giáo dục công dân toàn cầu là làm thế nào để chúng ta chung sống hài hòa với nhau”, ông nói.

Các đại biểu tại Diễn đàn.

Ông Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam – đánh giá việc lựa chọn Việt Nam để tổ chức Diễn đàn Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững và Công dân Toàn cầu năm 2019 có ý nghĩa quan trọng. 

“Từ góc độ cơ quan nghiên cứu của Bộ Giáo dục và đào tạo, tôi hy vọng các kết quả trao đổi chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn sẽ đưa đến, đề xuất ra những mô hình giáo dục mới, những giải pháp để giáo dục là chìa khóa then chốt để có thể phát triển bền vững cho tương lai của chúng ta”, ông Vinh nói.

Theo Phó Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam, Diễn đàn sẽ đề cập đến các vấn đề không chỉ nằm ở quy mô quốc gia mà còn giải quyết cả vấn đề thực tế của Việt Nam, đó là vấn đề làm sao chuyển từ hệ thống giáo dục nặng về chuyển tải kiến thức, rèn luyện kỹ năng của học sinh thành nền giáo dục phát triển phẩm chất năng lực của học sinh chuẩn bị cho học sinh sự sẵn sàng tốt nhất trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Khi bàn về giáo dục vì sự phát triển bền vững không đơn giản là đưa các nội dung phát triển bền vững vào lớp học mà quan trọng hơn là làm sao để sử dụng giáo dục như chìa khóa, công cụ để giải quyết được một cách toàn diện nhất tất cả các mục tiêu của sự phát triển bền vững”, ông nói.

Diễn đàn Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững và Công dân Toàn cầu của UNESCO năm 2019 có sự tham dự của hơn 350 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục và các đại diện của các bên liên quan đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước có nền giáo dục phát triển, đặc biệt là giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực châu Mỹ La-tinh. Diễn đàn lần này hưởng ứng chủ đề “Học tập và giảng dạy vì một xã hội hòa bình và bền vững: từ bậc giáo dục mầm non đến giáo dục tiểu học và trung học”.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn sẽ diễn ra 7 phiên họp toàn thể; 4 phiên thảo luận nhóm. Các phiên họp toàn thể và thảo luận nhóm sẽ có tính tương tác cao nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng các cơ hội kết nối mạng lưới xung quanh các vấn đề nêu trên, đồng thời thảo luận và thúc đẩy đối thoại cũng như chia sẻ thông tin và kiến thức thực tiễn.

Đại biểu tham gia Diễn đàn có cơ hội được chia sẻ những phương thức tiếp cận sáng tạo, có tính khả thi để giải quyết những tồn tại và khai thác triệt để tiềm năng từ ba phạm vi của lĩnh vực học tập nhằm đạt mục tiêu Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, cụ thể là Mục tiêu 4.7, có liên quan chặt chẽ tới Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững và Giáo dục Công dân Toàn cầu. Diễn đàn cũng sẽ dành thời gian cho giáo viên và học sinh lên tiếng về nhu cầu của họ, xét về khía cạnh sư phạm hiệu quả cho ESD và GCED, sau đó sẽ là phiên đối thoại toàn thể về nhu cầu nào cần được cải thiện/ thay đổi trong bối cảnh hệ thống giáo dục hiện nay.

Đọc thêm