Việt Nam phải có 30 thương hiệu dệt may ngang tầm thế giới

(PLVN) - “Tôi đã nói với Chủ tịch Tập đoàn Vinatex và Hiệp hội Dệt may, Việt Nam phải có 30 thương hiệu dệt may ngang tầm thế giới. Đây là mục tiêu phấn đấu rất quan trọng để chúng ta có thương hiệu thực sự ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch nước phát biểu tại buổi lễ.
Chủ tịch nước phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 8/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam tổ chức phát động thi đua năm 2022.

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đúng ngày này 63 năm trước, Bác Hồ thăm Công ty May 10, đại diện ngành dệt may Việt Nam và căn dặn nhiều điều quan trọng về phát triển và quản lý đối với ngành giải quyết nhiều lao động của cả nước.

Chủ tịch nước đánh giá, ngành dệt may và da giày năm qua là điểm sáng nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch, sáng tạo, linh hoạt thực hiện tốt mục tiêu kép với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 60 tỷ USD, bằng ngành điện tử công nghệ cao của Việt Nam, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu nước nhà.

Theo đó, ngành dệt may và da giày đã “lắng nghe” thị trường, tận dụng được cơ hội của thị trường xuất khẩu khi có dịch chuyển chuỗi cung ứng sau dịch bệnh, nâng cao năng lực quản trị, chủ động đàm phán với đối tác để có giải pháp tháo gỡ, bố trí sản xuất phù hợp, bảo đảm việc làm cho 5 triệu người lao động, thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, xử lý tốt, căn bản vấn đề môi trường, kể cả khâu dệt nhuộm, nguyên liệu da giày.

Chủ tịch nước cũng ấn tượng với ngành dệt may khi có 52% sản phẩm do ngành tự thiết kế sản xuất, riêng Tổng Công ty May 10 có 100% sản phẩm tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt với hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, có nhiều sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và nằm trong nhóm doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất lợi nhuận cao nhất.

Chủ tịch nước tặng quà cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành dệt may.

Chủ tịch nước tặng quà cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành dệt may.

Nhấn mạnh những thách thức trong năm 2022, nhất là những biến động khó lường của môi trường kinh doanh quốc tế và sự thay đổi liên tục của công nghệ, Chủ tịch nước lưu ý hai ngành dệt may và da giày cần xây dựng bộ quy chuẩn phòng, chống dịch bệnh và các giải pháp ứng phó thích ứng với các tình huống của dịch.

Trong đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công nhân lao động là nhiệm vụ hàng đầu. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới sáng tạo trong mô hình quản lý, tập trung chuyển đổi số cho mô hình quản trị, hình thành hệ thống quản trị đơn giản có hiệu quả cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tăng giá trị gia tăng, làm chủ nguồn nguyên liệu, dần thay thế cho mô hình kinh doanh dựa trên gia công.

Tôi đã nói với Chủ tịch Tập đoàn Vinatex và Hiệp hội Dệt may, Việt Nam phải có 30 thương hiệu dệt may ngang tầm thế giới. Đây là mục tiêu phấn đấu rất quan trọng để chúng ta có thương hiệu thực sự”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị hai ngành dệt may và da giày tiếp tục đổi mới sáng tạo, xây dựng và phổ quát giá trị văn hóa của doanh nghiệp, của ngành, từ đó tiếp tục phát động các phong trào thi đua học tập, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, tạo động lực cống hiến của người lao động với ngành, hình thành nhiều nghệ nhân giỏi trong hai ngành.

Gửi lời thăm hỏi ân cần tới tất cả cán bộ, công nhân lao động ngành dệt may và ngành da giày, Chủ tịch nước lưu ý lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội hai ngành quan tâm củng cố tổ chức Đảng, công đoàn. Với phần lớn lao động hai ngành là nữ, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa để chị em có sức khỏe tốt, đời sống vật chất và tinh thần được đảm bảo, vừa sản xuất hiệu quả, vừa chăm lo cho gia đình. Dịp Tết Nguyên Đán sắp đến, các doanh nghiệp cần quan tâm lo Tết cho công nhân, để mọi nhà, mọi người đều có Tết vui vẻ, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn.

Năm 2021, do đại dịch COVID-19, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, có những lúc 60.000 công nhân phải tạm nghỉ việc. Tuy nhiên, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã nỗ lực vượt khó khăn, không để đứt gãy sản xuất và quý 4 đã có 95% lao động trở lại sản xuất. Năm qua, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020.

Đọc thêm